Đề tài khoa học "Đánh giá hiệu quả điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân tâm thần phân liệt bị xích, cách ly tại nhà, lang thang trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh" do Thạc sĩ Đặng Duy Thanh - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh thực hiện...
Đề tài khoa học “Đánh giá hiệu quả điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân (BN) tâm thần phân liệt bị xích, cách ly tại nhà, lang thang trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh” do Thạc sĩ Đặng Duy Thanh - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh thực hiện vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu. Kết quả nghiên cứu này sẽ giúp BN tâm thần phân liệt có cơ hội điều trị tốt hơn.
Bệnh nhân đang được hướng dẫn chăm sóc nấm. Ảnh: THẢO LY |
Đề tài được thực hiện từ năm 2013 đến 2016. Trong quá trình thực hiện, tác giả và cộng sự đã tìm kiếm và tập hợp được 77 BN tâm thần phân liệt bị xích, cách ly tại nhà, lang thang trong cộng đồng về bệnh viện để điều trị. Các BN được chia thành 2 nhóm: nhóm chứng có 39 BN được điều trị bằng thuốc; nhóm can thiệp có 38 BN được điều trị bằng thuốc kết hợp với phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Qua quá trình theo dõi, nhóm BN được điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội có cải thiện bệnh tích cực hơn; nhận thức, kỹ năng sống cơ bản, kỹ năng giao tiếp… của BN nhóm này tốt hơn so với nhóm BN chỉ điều trị bằng thuốc.
Thạc sĩ Đặng Duy Thanh cho biết, nghiên cứu trên 77 BN, với thời gian 3 năm, việc uống thuốc điều trị là chưa đủ, việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho BN là tốt nhưng cũng chưa đủ để duy trì hiệu quả lâu dài. Vì thế, sau nghiên cứu, BN xuất viện, phương pháp này cần phải được duy trì đều đặn ở cộng đồng thì mới tốt cho BN. Tuy nhiên, cái khó là BN tâm thần phân liệt phần lớn đều có hoàn cảnh nghèo khó, điều kiện sống tồi tàn nên ít được người thân quan tâm đúng mức; tỷ lệ tái xích, cách ly, đi lang thang và tái phát bệnh cao được thể hiện trong nghiên cứu sau khi BN xuất viện cũng xuất phát từ nguyên nhân này. “Khi BN điều trị tại bệnh viện tình trạng bệnh cải thiện đáng kể, lấy lại được kỹ năng sống cơ bản. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn sau khi xuất viện, nhiều BN lại bị xích, cách ly do người thân không có điều kiện quan tâm chăm sóc. Thực tế này rất đau lòng và thiệt thòi cho BN”, Thạc sĩ Thanh chia sẻ.
Chính vì vậy, chủ nhiệm đề tài đề nghị, các cấp quản lý cần ban hành quy định cấm việc xích, cách ly BN tâm thần tại nhà để ngăn ngừa việc sử dụng và lạm dụng hình thức này. Bên cạnh đó, cần có chính sách, chế độ hỗ trợ cho gia đình BN tâm thần, tạo điều kiện cho họ chăm sóc và đưa người thân bị bệnh tham gia các dịch vụ điều trị; có chế độ hỗ trợ và giúp BN tâm thần được hưởng các phương pháp điều trị liên tục tại cộng đồng, được dùng thuốc chống loạn thần thế hệ mới tốt hơn, được huấn luyện nghề, tạo điều kiện ưu đãi có việc làm sau xuất viện. Đồng thời, hỗ trợ Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh về kinh phí, nhân lực để có thể triển khai đội lưu động giúp BN tâm thần có cơ hội tiếp cận điều trị thuận lợi tại cộng đồng; thiết lập các cơ sở điều trị ngoại trú cho BN tại các địa phương…
Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh đánh giá, đây là một đề tài nghiên cứu khoa học khó, công phu, nhiều tâm huyết; đã đưa ra được phương pháp can thiệp phù hợp đối với BN tâm thần phân liệt bị xích, cách ly và đi lang thang. Trong đó, có sự kết hợp giữa các nguồn lực y tế, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc đối tượng này tại cộng đồng. Kết quả này rất có ý nghĩa ứng dụng triển khai tại các địa phương, trong bối cảnh ngành tâm thần đang khan hiếm nguồn nhân lực.
Nếu kết quả đề tài nghiên cứu được ứng dụng, sẽ giúp cho BN tâm thần phân liệt cải thiện chất lượng cuộc sống, sống có ích (khi giảm bệnh, BN có thể phụ giúp gia đình các công việc nhỏ), giảm áp lực cho người nhà trong chăm sóc và điều trị, qua đó góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
MINH THIẾT