10:09, 20/09/2016

Bệnh không lây nhiễm làm tăng các ca tử vong sớm

Các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh hô hấp mạn tính đang gia tăng nhanh chóng ở nước ta. ...

Các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh hô hấp mạn tính đang gia tăng nhanh chóng ở nước ta. Đây là thông tin từ chuyến công tác tại Việt Nam (từ ngày 12 đến 16-9) của đoàn công tác liên cơ quan Liên hợp quốc (UNIATF) cho biết nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn các bệnh không lây nhiễm.


Đoàn công tác bao gồm đại diện của các tổ chức: Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp  quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).


Đoàn công tác nhận thấy các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính đang gia tăng nhanh chóng và hiện là nguyên nhân gây ra 73% tổng số các ca tử vong của cả nước. Cụ thể là bệnh không lây nhiễm gây ra hơn 379.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó 163.000 ca là các ca tử vong sớm (trong độ tuổi 30 - 70). Hơn 1/3 tổng số ca tử vong ở Việt Nam là do các bệnh tim mạch gây ra.


Đoàn công tác nhận định, hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với những gánh nặng bệnh không lây nhiễm do toàn cầu hóa, đô thị hóa và sự già hóa dân số; tỷ lệ hút thuốc lá trong số nam giới mặc dù đã giảm, nhưng vẫn còn rất cao (45,3%), và có tới 44,2% số nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại.


Thừa cân và béo phì đã tăng từ 12% lên 16% trong 5 năm qua. Tính trung bình, dân số Việt Nam đang tiêu thụ muối cao gấp 2 lần khuyến cáo của WHO. Bệnh tăng huyết áp cũng đang gia tăng nhanh chóng và hiện nay cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị bệnh tăng huyết áp.


Trước thực tế trên, đoàn công tác đã khuyến cáo một kế hoạch cụ thể để ứng phó với các bệnh không lây nhiễm thông qua một nhóm các biện pháp can thiệp đã được chứng minh là có hiệu quả cao. Các can thiệp chủ yếu bao gồm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và thực thi đầy đủ Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Đoàn công tác cũng khuyến cáo Việt Nam sớm xây dựng luật phòng, chống tác hại của rượu bia.


Đoàn công tác chia sẻ nguồn thu từ thuế thuốc lá là nguồn lực tài chính đáng kể để đáp ứng với các bệnh không lây. Ví dụ như Philippines đã tăng gấp 3 lần quy mô nguồn thu này bằng cách tăng thuế thuốc lá. Đoàn công tác khuyến nghị Việt Nam nên thiết lập một quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng, trên cơ sở Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá. “Chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm này và bảo đảm các trạm y tế và cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu khác trên khắp cả nước có thể quản lý các bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường. Bên cạnh đó, tất cả những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch được tiếp cận thuốc và tư vấn để phòng nhồi máu cơ tim và đột quỵ, giảm thiểu tử vong sớm”, bác sĩ Warrick Junsuk Kim, Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết.


H.VI (Theo chinhphu.vn)