Mô hình bệnh viện ban ngày đã và đang tạo chuyển biến tích cực cho bệnh nhân tâm thần. Hiện nay, ở Việt Nam, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh Khánh Hòa là đơn vị thứ 2 triển khai mô hình này, sau Bệnh viện Mai Hương (Hà Nội).
Mô hình bệnh viện (BV) ban ngày đã và đang tạo chuyển biến tích cực cho bệnh nhân tâm thần. Hiện nay, ở Việt Nam, BV Chuyên khoa Tâm thần tỉnh Khánh Hòa là đơn vị thứ 2 triển khai mô hình này, sau BV Mai Hương (Hà Nội).
Kết quả bước đầu
Thời gian gần đây, ngày nào chị N.T.T (huyện Diên Khánh) cũng được gia đình đưa đến BV Chuyên khoa Tâm thần tỉnh để tham gia mô hình BV ban ngày. Tại đây, chị T. cùng một số bệnh nhân tham gia làm các công đoạn trong việc trồng nấm theo hướng dẫn của các điều dưỡng. Được biết, chị T. mắc bệnh tâm thần phân liệt đã hơn 5 năm và đã điều trị tại BV được 3 năm. Hiện nay, bệnh của chị đã ổn định nên được xuất viện về nhà và tới trạm y tế lấy thuốc uống theo định kỳ. Từ khi tham gia mô hình BV ban ngày, được lao động, trò chuyện với nhiều người, chị T. đã có nhiều chuyển biến tích cực về cảm xúc và ý thức… “Được làm việc, tôi vui lắm và thấy mình còn có ích. Ở đây, tôi có nhiều bạn để trò chuyện; được ăn các món ăn chế biến từ những thứ mình trồng như nấm và rau nên thấy rất ngon”, chị T. nói.
Điều dưỡng hướng dẫn cho bệnh nhân làm nấm |
Anh N.C.L (TP. Nha Trang) cũng bị bệnh tâm thần phân liệt 10 năm. Từ khi tham gia mô hình BV ban ngày, anh L. hoạt bát hơn trước, bớt ủ rũ. Bà Nguyễn Thị Loan - mẹ anh L. nói: “Thấy con thành thục thực hiện các công đoạn làm nấm, trồng rau, tôi rất mừng! Hy vọng mô hình này giúp con tôi hết bệnh, trở lại thành người bình thường”.
Mô hình BV ban ngày được BV Chuyên khoa Tâm thần tỉnh triển khai từ đầu tháng 8, dành cho những bệnh nhân sau khi ra viện, hoặc ra viện lâu ngày. Tham gia mô hình, bệnh nhân được hướng dẫn làm nấm, trồng rau ở vườn, trồng theo mô hình thủy canh, nuôi cá trồng rau theo mô hình khép kín… Bệnh nhân được ăn trưa tại bếp ăn từ thiện, nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục làm việc đến 16 giờ. Các sản phẩm bệnh nhân làm ra được BV bán cho các nhà hàng, khách sạn... Hàng ngày, bệnh nhân được chấm công, cuối tháng được trả tiền lương từ các sản phẩm bán được.
Nên nhân rộng mô hình
Bác sĩ Đặng Duy Thanh - Giám đốc BV Chuyên khoa Tâm thần tỉnh: Trên thế giới, mô hình BV ban ngày (bán trú) dành cho bệnh nhân tâm thần rất phổ biến. Đặc điểm của mô hình là hàng ngày, BN được người nhà đưa đến BV để các bác sĩ chăm sóc, tham gia sản xuất lao động, sinh hoạt, vui chơi... chiều được người nhà đón về. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó phụ trách khoa Liệu pháp của BV Chuyên khoa Tâm thần tỉnh cho biết, bệnh nhân tâm thần mắc bệnh lâu năm, nhiều người không hoạt động chân tay, trí não. Do không làm việc nên họ thường mặc cảm, tự ti, thấy bản thân mình không giúp được gì cho gia đình và xã hội. Nếu gặp một sự cố trong cuộc sống, bệnh nhân sẽ không chịu đựng được, dễ tái phát bệnh. Tham gia lao động sẽ làm não của bệnh nhân tạo ra chất kích thích khiến họ có cảm giác dễ chịu, tâm trạng được cải thiện. Không những thế, để thực hiện các hoạt động trên, bệnh nhân có sự tương tác với bác sĩ, điều dưỡng, các bệnh nhân khác giúp tăng khả năng tập trung, giao tiếp xã hội của họ. Ngoài ra, được lĩnh lương từ sản phẩm do mình làm ra, người bệnh sẽ thấy được giá trị của bản thân. Bác sĩ cũng nắm rõ hơn tình trạng của bệnh nhân. Đây là liệu pháp điều trị được xem là tốt nhất giúp cải thiện tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Tuy nhiên, do mô hình mới triển khai nên bệnh nhân tham gia ít; người nhà bệnh nhân chưa hiểu hết được lợi ích của mô hình nên chưa có sự hợp tác. Ngoài ra, bệnh nhân ở các địa phương như: Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Ranh khó tham gia mô hình do ở xa, người nhà của bệnh nhân ngại đưa đón trong ngày… “Về lâu dài, chúng tôi mong mô hình này sẽ được triển khai tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố để tất cả bệnh nhân tâm thần đều được hưởng lợi từ mô hình”, bà Hương chia sẻ.
T. L