Theo báo cáo của Bộ Y tế, viêm gan vi rút đứng thứ ba trong số nguyên nhân gây tử vong ở nước ta, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là viêm gan vi rút B, C. Hậu quả lâu dài của nhiễm viêm gan vi rút dẫn tới bệnh gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Cách phòng ngừa tốt nhất là thực hiện tiêm chủng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, viêm gan vi rút đứng thứ ba trong số nguyên nhân gây tử vong ở nước ta, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là viêm gan vi rút B, C. Hậu quả lâu dài của nhiễm viêm gan vi rút dẫn tới bệnh gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Cách phòng ngừa tốt nhất là thực hiện tiêm chủng.
Chi phí điều trị cao
Cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Phượng (43 tuổi, xã Diên An, huyện Diên Khánh) thấy trong người thường xuyên mệt mỏi, da vàng. Đến Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh để khám, chị Phượng được chẩn đoán bị viêm gan vi rút B mạn tính. Do chưa mua bảo hiểm y tế nên mỗi tháng chị Phượng phải trả chi phí chữa bệnh hơn 1 triệu đồng.
Bệnh nhân bị xơ gan được khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh |
Anh Lê Hùng Hòa (45 tuổi, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) điều trị viêm gan vi rút B mãn tính hơn 5 năm nay. “Tuy được thanh toán bảo hiểm y tế nhưng do bệnh này phải chữa trị cả đời nên tôi tốn khá nhiều chi phí để điều trị”, anh Hòa cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết, trung bình mỗi tuần, BV tiếp nhận khoảng 80 bệnh nhân mắc bệnh viêm gan vi rút B, C đến khám và điều trị. Trong đó, có khoảng 15 người phải điều trị nội trú do biến chứng xơ gan. Từ đầu năm đến nay, BV đã chuyển lên BV Đa khoa tỉnh điều trị 25 ca ung thư do biến chứng viêm gan vi rút B, C gây ra.
Theo bác sĩ Đông, phần lớn những người bị viêm gan vi rút B, C đang điều trị tại BV ở độ tuổi từ 30 đến 60. Do những dấu hiệu của bệnh viêm gan vi rút B, C rất mờ nhạt, thậm chí không có biểu hiện gì nên người bệnh khó nhận biết mình đang bị nhiễm bệnh. Khi đã chuyển sang viêm gan mạn tính, người bệnh sẽ phải điều trị suốt đời. Hiện nay, chi phí điều trị viêm gan B khoảng 1 triệu đồng/tháng, mỗi đợt điều trị viêm gan C (hơn 3 tháng) gần 10 triệu đồng. Nếu ngưng điều trị, vi rút sẽ hoạt động trở lại, khiến bệnh diễn tiến nhanh chóng thành xơ gan, thậm chí ung thư gan. Xơ gan là không thể phục hồi, ung thư gan có tỷ lệ tử vong cao trong vòng 5 năm đầu.
Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống viêm gan vi rút giai đoạn 2015 - 2019 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch là giảm lây truyền và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh.
Triển khai kế hoạch này, ngành Y tế đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút trong các cơ sở y tế; mở rộng các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút B, C; phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội xây dựng các quy định nhằm chi trả bảo hiểm y tế cho chi phí chẩn đoán, điều trị, nhất là đối với 2 bệnh trên. Cùng với đó, xây dựng các mô hình phòng, chống viêm gan vi rút tại cộng đồng lồng ghép với các mô hình phòng, chống HIV/AIDS, những bệnh lây truyền qua đường tình dục, mại dâm, tiêm chích ma túy. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức thông tin, giáo dục truyền thông về phòng, chống cũng như sự nguy hiểm của bệnh viêm gan vi rút đối với sức khỏe con người…
Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 20 triệu người nhiễm bệnh viêm gan B và C, trong đó khoảng 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan mãn tính, xơ gan và ung thư gan. Theo kết quả điều tra của Cục Y tế dự phòng năm 2012, tỷ lệ dân cư mắc bệnh này có sự khác nhau giữa các địa phương. Cao nhất ở Hà Bắc 25,5%, tiếp đến là Vĩnh Phúc 23,2%, Lâm Đồng 16,74%, Khánh Hòa 15,48%, TP. Hồ Chí Minh 11,3%... |
Ông Huỳnh Trọng Tân - Thư ký chương trình tiêm chủng mở rộng tỉnh cho biết: “Thực hiện dự phòng lây truyền viêm gan vi rút B từ mẹ sang con, từ năm 2006, các cơ sở sản khoa công lập có thực hiện đỡ sinh của tỉnh đều có sẵn vắc xin viêm gan B để tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ. Cũng trong năm này, tại Khánh Hòa, vắc xin viêm gan B được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi. Từ khi triển khai đến nay, hàng năm, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đạt trên 95%”.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: thử máu là phương pháp duy nhất để xác định có mắc bệnh viêm gan vi rút B, C hay không. Nếu bệnh nhân có kết quả âm tính với viêm gan vi rút B thì nên tiêm ngừa để phòng bệnh. Nếu có kết quả dương tính, phải đến các cơ sở y tế để được theo dõi và chữa trị sớm. Đối với bệnh viêm gan vi rút C, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên đã có thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế khi phát hiện nếu điều trị sớm thì tỷ lệ thành công đạt gần 100%; nếu để muộn, tỷ lệ điều trị thành công sẽ giảm đi 10% mỗi năm và có thể chuyển sang mạn tính. Vì thế, 3 - 6 tháng/lần, người dân nên đi khám định kỳ để tầm soát bệnh một cách hiệu quả nhất.
T. L