10:07, 11/07/2016

Thêm bằng chứng khoa học khẳng định vi khuẩn Wolbachia ngăn chặn sự lan truyền vi rút Zika

Thông tin từ Dự án hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam cho biết, mới đây, đã có thêm 1 nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng khoa học về khả năng của vi khuẩn Wolbachia tồn tại trong tự nhiên có thể ngăn chặn sự lan truyền vi rút Zika trong cơ thể muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn).

Thông tin từ Dự án hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam cho biết, mới đây, đã có thêm 1 nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng khoa học về khả năng của vi khuẩn Wolbachia tồn tại trong tự nhiên có thể ngăn chặn sự lan truyền vi rút Zika trong cơ thể muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn).

 

Thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại đảo Trí Nguyên
Thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại đảo Trí Nguyên


Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Scientific Reports ngày 1-7, thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ) và Đại học Antioquia (Colombia). Muỗi dùng để kiểm chứng tác động của vi khuẩn Wolbachia đối với sự lan truyền vi rút Zika là muỗi Aedes aegypti của vùng Medellin, Colombia. Kết quả cho thấy, sau khi hút máu có nhiễm vi rút Zika, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia ít có khả năng nhiễm vi rút này và nếu bị nhiễm thì chúng cũng không truyền vi rút Zika qua tuyến nước bọt. Trước đó, tháng 5-2016, cũng có một nghiên cứu khẳng định vi khuẩn tự nhiên Wolbachia có khả năng làm giảm số lượng vi rút Zika trong cơ thể muỗi Aedes aegypti.


Tại Việt Nam, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia đã được thả tại một số hộ trên đảo Trí Nguyên, TP. Nha Trang trong hai đợt, tháng 4 và tháng 9 năm 2013; tháng 5 và tháng 11-2014. Kết quả cho thấy, trong khi số ca mắc sốt xuất huyết ở TP. Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đều ở mức rất cao, riêng ở đảo Trí Nguyên chỉ có 1 ca được chẩn đoán xác định trong năm 2015.


T. L