10:07, 18/07/2016

Quản lý thức ăn đường phố: Còn nhiều khó khăn

Sau 3 năm thực hiện, mô hình điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố ở một số xã, phường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, khi triển khai đại trà, nhiều địa phương gặp khó...

Sau 3 năm thực hiện, mô hình điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thức ăn đường phố ở một số xã, phường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, khi triển khai đại trà, nhiều địa phương gặp khó...


Nhiều chuyển biến    

   
Nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP, năm 2013, phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang là địa phương đầu tiên của tỉnh được chọn triển khai thí điểm mô hình quản lý thức ăn đường phố với 180 cơ sở. Tham gia mô hình, các cơ sở đã được hỗ trợ để thực hiện đúng 10 quy định về đảm bảo ATTP thức ăn đường phố của Bộ Y tế.

 

Nhiều quán thức ăn đường phố ở TP. Nha Trang chưa thực hiện đúng 10 tiêu chí theo quy định. Ảnh: VĨNH THÀNH
Nhiều quán thức ăn đường phố ở TP. Nha Trang chưa thực hiện đúng 10 tiêu chí theo quy định. Ảnh: VĨNH THÀNH


Quán phở, bún, nem của bà Nguyễn Thị Phước nằm trong con hẻm trên đường Sinh Trung (phường Vạn Thạnh) là một trong những cơ sở tham gia mô hình từ năm 2013. Từ đó đến nay, quán của bà Phước ngày càng đông khách. Khách hàng hài lòng hơn khi thấy thức ăn được bỏ trong tủ có lắp kính để hạn chế bụi bẩn; mỗi loại thức ăn đều đựng vào các thố, tô nhựa có nắp đậy. Khi gắp, bốc thực phẩm để bán, chủ quán đều sử dụng cây gắp hoặc đeo găng tay… Bà Hoàng Trần (nhà ở đối diện quán) cho biết: “Từ khi chủ quán tham gia mô hình thức ăn đường phố do phường triển khai, quán sạch sẽ hơn. Trước đây, chủ quán có thói quen dùng tay trần vừa bốc thức ăn vừa thối tiền cho khách, nhưng bây giờ không còn nữa. Bàn ghế được mua mới, dưới các bàn ăn đều có thùng rác nhỏ”.


Tham gia mô hình từ năm 2014, quán bán đồ ăn chay của bà Nguyễn Thị Tám nằm trên vỉa hè đường Đào Duy Từ (phường Vạn Thạnh) cũng được bố trí gọn gàng, sạch sẽ hơn. Các khay bày bán thức ăn đã nấu chín đều được chủ quán bọc kín bằng nilon để tránh bụi bẩn, ruồi, côn trùng bu bám. Bàn đựng thức ăn được nâng cao lên so với trước. Không chỉ vậy, bà Tám còn khám sức khỏe 1 lần/năm, tham gia tập huấn kiến thức ATTP, có sổ ghi chép địa điểm, số lượng mua thực phẩm...


Không chỉ 2 quán trên, nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở phường Vạn Thạnh cũng có những thay đổi tích cực. Chính vì vậy, từ năm 2014, mô hình tiếp tục được thí điểm tại phường Phương Sài và Lộc Thọ (TP. Nha Trang). Đến nay, 80 - 90% cơ sở tham gia thí điểm vẫn duy trì tốt 10 tiêu chí theo quy định như: có nơi kinh doanh sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm; bày bán thức ăn trên bàn, giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh; không để lẫn giữa thực phẩm sống và thức ăn chín; có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ, găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín; người kinh doanh thức ăn đường phố được khám sức khỏe; cơ sở có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm…


Còn khó khăn


Ông Lê Đức Lương - Đội trưởng Đội Y tế dự phòng, TP. Nha Trang cho biết, năm 2016, mô hình này được triển khai đại trà ở tất cả các xã, phường của thành phố. Tuy nhiên, do không có kinh phí hỗ trợ nên việc triển khai ở các xã, phường không đồng đều. Có địa phương đã triển khai và quản lý được hơn 50% cơ sở, nhưng cũng có địa phương đến nay vẫn còn bỏ trống. “Nguyên nhân chính là do nhân lực làm công tác quản lý ATTP ở địa phương vừa thiếu vừa kiêm nhiệm nhiều việc; trình độ văn hóa của một số chủ cơ sở thấp nên việc huy động họ tham gia mô hình cũng gặp khó”, ông Lương nói.

 

Kết quả thực hiện 10 tiêu chí ở các cơ sở tham gia mô hình thí điểm, do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thực hiện cuối năm 2015 cho thấy: có 97,7% cơ sở có nơi kinh doanh sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (tăng 14,8% so với trước khi thí điểm mô hình); 95,4% cơ sở thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh (tăng 15%); 86,7% các cơ sở đã có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm (tăng 73,4%); 98% cơ sở không để lẫn giữa thực phẩm sống và thức ăn chín (tăng 12,3%); 95,1% cơ sở có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch (tăng 15,9%)…

Bà Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng Trạm y tế phường Phương Sơn, TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, phường đã quản lý được 30/46 cơ sở tham gia mô hình. Do không có kinh phí, mỗi năm, phường chỉ tổ chức được 2 đợt kiểm tra vừa lồng ghép tuyên truyền. Không chỉ thiếu nhân lực, kinh phí, các dụng cụ test nhanh thực phẩm cho đoàn kiểm tra cấp phường cũng không có. Ngoài các khó khăn trên, các hộ kinh doanh thức ăn đường phố buôn bán giờ giấc không ổn định, nhiều người từ địa phương khác đến buôn bán nên gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý. Việc áp dụng các quy định trong kinh doanh thức ăn đường phố vào thực tế còn nhiều bất cập, đặc biệt là quy định về nguồn nước, về khám sức khỏe và xác nhận kiến thức ATTP… Do đó, khó huy động người bán tham gia mô hình.


Thạc sĩ Nguyễn Duy Long - Phó Trưởng phòng Quản lý ATTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khẳng định: “Tuy còn khó khăn, nhưng qua 3 năm triển khai thí điểm tại 17 xã, phường trên địa bàn tỉnh với 1.357 cơ sở tham gia cho thấy, địa phương nào quan tâm thì việc triển khai công tác này sẽ đạt kết quả tốt và ngược lại. Vì thế, để công tác quản lý thức ăn đường phố đạt hiệu quả, UBND tỉnh cần đưa chỉ tiêu bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và coi đây là chỉ tiêu phát triển cần được ưu tiên; hỗ trợ kinh phí cho các xã, phường, thị trấn trong hoạt động này. Đồng thời, hỗ trợ cho người kinh doanh thức ăn đường phố trong việc khám sức khỏe định kỳ và cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền...”.


T.L