07:07, 05/07/2016

Nguyên nhân và cách xử trí bí tiểu

Ở người bình thường đi tiểu là một phản xạ và theo ý muốn, có sự kết hợp hài hòa giữa sự co bóp mạnh của bàng quang và sự giãn nở thật rộng của cổ bàng quang...

Ở người bình thường đi tiểu là một phản xạ và theo ý muốn, có sự kết hợp hài hòa giữa sự co bóp mạnh của bàng quang và sự giãn nở thật rộng của cổ bàng quang, dưới sự chi phối của hệ thần kinh trung ương, đồng thời không có sự gây cản trở gì ở bàng quang, niệu đạo. Được gọi là bí tiểu khi bàng quang chứa đầy nước tiểu nhưng không thể tiểu được. Bí tiểu (bí đái) gặp chủ yếu ở người trưởng thành. Bí tiểu nếu không xử trí kịp thời có thể để lại hậu quả xấu.

 

Vận động cơ thể thường xuyên giúp phòng bí tiểu. Ảnh: TM
Vận động cơ thể thường xuyên giúp phòng bí tiểu. Ảnh: TM
Nguyên nhân gây bí tiểu?
 
Bình thường, khi bàng quang chứa đầy một lượng nước tiểu nhất định (khoảng từ 250ml-300ml) sẽ gây kích thích buồn tiểu và đi tiểu. Bí tiểu sẽ xảy ra khi lượng nước tiểu trong bàng quang đã đủ đầy nhưng không tiểu được. Nguyên nhân gây bí tiểu rất đa dạng, nếu thành bàng quang không co bóp đủ mạnh có thể do sự mất liên hệ với hệ thần kinh thực vật điều khiển tiểu tiện hoặc có thể do chấn thương cột sống hoặc do chấn thương vỡ xương chậu hoặc do bệnh của bàng quang (thành bàng quang bị chai xơ do viêm mạn tính hoặc bàng quang viêm cấp,  viêm mạn tính, hoặc do sỏi, u, túi thừa bàng quang, xơ cứng cổ bàng quang...).
 
Một số trường hợp sỏi của bàng quang di chuyển đến bịt lỗ thông bàng quang với niệu đạo, gây cản trở lưu thông nước tiểu, thậm chí tắc hẳn gây bí tiểu. Bí tiểu có thể do viêm niệu đạo mạn tính gây xơ hóa, chít hẹp niệu đạo bởi do viêm nhiễm vì bệnh lậu hoặc bệnh do vi khuẩn Chlamydia (cả nam, cả nữ) hoặc xơ cứng niệu đạo do chấn thương làm giập, vỡ niệu đạo.
 
Ở nam giới bí tiểu còn có thể do bệnh của tiền liệt tuyến (viêm, tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến hoặc u lành hoặc u ác tính) sẽ đè, chèn ép vào cổ bàng quang.
 
Ở nữ giới, bí tiểu, ngoài các nguyên nhân kể trên còn có thể do bệnh thuộc tiểu khung đè nén vào bàng quang (u xơ tử cung, u nang buồng trứng). Một số trường hợp bí tiểu nhất thời có thể là do tâm lý (đi tàu xe chật chội, ngồi họp với thời gian lâu,...).
 
Biểu hiện của bí tiểu
 
Hầu hết người bệnh bị bí tiểu đều có đau, tức bàng quang vùng trước xương mu, gây cảm giác rất khó chịu kéo dài nếu không được điều trị (nội khoa) hoặc không được thông tiểu (can thiệp ngoại khoa), gây nên nỗi khổ thường trực hàng giờ, hàng ngày cho người bệnh. Người bệnh thường có cảm giác rát và luôn mót đi tiểu nhưng không tiểu được, điều đó càng làm cho người bệnh khó chịu, bứt rứt hơn.
Ảnh hưởng xấu của bí tiểu là gì?
 
Bí tiểu có cảm giác rất khó chịu, đau, rát bàng quang, đặc biệt khi có kèm theo viêm cấp hoặc mạn tính bàng quang, vì vậy, sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh (buồn tiểu nhưng không tiểu được, nhất là ban đêm gây mất ngủ kéo dài và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nếu bí tiểu không được thông tiểu hoặc bí tiểu tái phát nhiều lần làm ứ đọng nước tiểu, từ đó có thể làm viêm nhiễm bàng quang, gây viêm ngược dòng, viêm thận và ảnh hưởng lớn đến chức năng thận, thậm chí gây suy thận.
 
Xử trí thế nào khi bí tiểu?
 
Trước hết, khi bị bí tiểu cần được khám bệnh càng sớm càng tốt để xử trí kịp thời (thông tiểu), đồng thời xác định nguyên nhân để có hướng điều trị. Thông tiểu cần hết sức chú ý vô khuẩn tuyệt đối dụng cụ y tế (kể cả các thao tác thông tiểu của người điều dưỡng thực hiện), nếu không, có thể gây viêm đường tiết niệu do dụng cụ y tế hoặc do nhân viên y tế gây ra (gọi là nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện). Có những nguyên nhân gây bí tiểu không thể điều trị trong ngày một, ngày hai (viêm bàng quang, bệnh của tiền liệt tuyến ở nam giới, chấn thương cột sống, chấn thương xương chậu, xơ hóa niệu đạo...), vì vậy, cần phải có sự kiên trì trong điều trị dưới sự chỉ định dùng thuốc và tư vấn của bác sĩ.
 
Nguyên tắc phòng bệnh
 
Cần điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, bệnh tiểu khung (nữ giới), bệnh của tiền liệt tuyến (nam giới) để không ảnh hưởng đến bàng quang và không gây cản trở sự đẩy nước tiểu ra ngoài (tiểu tiện).  Ngoài ra, cần vận động cơ thể thường xuyên, đều đặn như đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, bơi, chơi cầu lông để cho mọi cơ quan của cơ thể hoạt động, khí huyết lưu thông, bàng quang và cổ bàng quang co bóp nhịp nhàng thuận lợi cho việc đi tiểu. Những người có bệnh mạn tính về bàng quang, tiểu khung (phụ nữ) không nhịn tiểu và không nên ngồi lâu làm ứ đọng nước tiểu càng dễ dẫn đến bí tiểu.
 
Theo Sức khỏe Đời sống