10:06, 26/06/2016

Khánh Sơn: Tích cực phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản

Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 3 ca mắc viêm não Nhật Bản đều ở xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn). Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong khá cao (khoảng 20%), nếu điều trị khỏi bệnh vẫn để lại di chứng đặc biệt nặng nề.

Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 3 ca mắc viêm não Nhật Bản (VNNB) đều ở xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn). Bệnh VNNB là bệnh rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong khá cao (khoảng 20%), nếu điều trị khỏi bệnh vẫn để lại di chứng đặc biệt nặng nề.


3 ca mắc


Ngày 10-6, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Khánh Sơn tiếp nhận bệnh nhân C.T (19 tuổi, thôn Tà Giang 1, xã Thành Sơn) với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, táo bón, sốt cao liên tục, họng sưng nhiều, cổ cứng. Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm màng não, tiên lượng nặng và được chuyển xuống BV Bệnh nhiệt đới tỉnh. Tại đây, bệnh nhân được BV lấy mẫu và gửi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang; kết quả bệnh nhân C.T dương tính với vi rút VNNB.  

 

Điều trị các ca bệnh nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Điều trị các ca bệnh nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới


Trước đó (ngày 30-5), bệnh nhân C.M.C. (9 tuổi, thôn Apa II, xã Thành Sơn) cũng được BVĐK huyện Khánh Sơn chuyển xuống BV Bệnh nhiệt đới tỉnh với chẩn đoán viêm não tiên lượng nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy C.M.C dương tính với vi rút VNNB. Sau khi được điều trị tích cực, 2 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.


Ngày 17-6, Viện Pasteur Nha Trang đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn và Trạm Y tế xã Thành Sơn điều tra ổ dịch VNNB. Qua điều tra cho thấy, trong 2 bệnh nhân trên có 1 bệnh nhân chưa tiêm chủng VNNB. Tại một số hộ xung quanh nhà 2 bệnh nhân, có một vài trường hợp đã từng có triệu chứng sốt, ho, đau họng nhưng không nhập viện, một số đã khỏi. Đoàn đã lấy 4 mẫu huyết thanh tại 2 thôn trên để đi xét nghiệm. Kết quả, em của bệnh nhân C.T (15 tuổi) dương tính với vi rút VNNB.


Tích cực triển khai phòng, chống  

          
Ngay sau đó, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn đã tổ chức diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi tại 2 thôn có bệnh nhân dương tính với vi rút VNNB. Bác sĩ Trần Thị Tuyến Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn tiếp tục giám sát ổ dịch và các khu dân cư lân cận, hướng dẫn người dân trong ổ dịch tiếp cận các cơ sở điều trị sớm; đồng thời giám sát ca bệnh lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ; báo cáo kịp thời tình hình dịch; tổ chức kế hoạch tiêm vắc xin VNNB năm 2016 theo chiến dịch vào tháng 7; sau đó đưa vắc xin VNNB vào tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho đối tượng tiêm chủng theo quy định. Trạm Y tế xã Thành Sơn tổ chức dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và các biện pháp vệ sinh môi trường cho người dân tại xã”.


Ông Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn cho biết: “Ngày 25 và 26-6, trung tâm đã phối hợp với xã Thành Sơn huy động lực lượng thanh niên địa phương thực hiện dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng lần 2 trên toàn xã. Ngày 27-6, trung tâm sẽ tiến hành phun hóa chất diệt muỗi đợt 2 tại hai thôn trên. Từ năm 2010 đến 2015, tỷ lệ tiêm vắc xin VNNB cho trẻ em trong độ tuổi tại huyện Khánh Sơn luôn đạt trên 97%, tại xã Thành Sơn luôn đạt 100%”.


T.L


 



Theo bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, VNNB là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Nhóm có nguy cơ cao nhất là trẻ ở lứa tuổi 2 - 6 (chiếm 75% tổng số ca mắc bệnh). 2 loài muỗi chủ yếu truyền bệnh VNNB là muỗi Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Hai loài muỗi này thường sống ở ruộng lúa nước và hoạt động mạnh vào lúc chập choạng tối. Cho tới nay, chưa thấy có sự lây truyền bệnh từ người sang người.


Khởi đầu của bệnh VNNB (kéo dài từ 1 đến 6 ngày) với biểu hiện sốt rất cao (39 - 40oC), kèm theo rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn hoặc nôn. Giai đoạn tiếp theo là tiếp tục sốt cao kèm co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê, cứng gáy, tay chân quờ quạng, mất nước. Ở giai đoạn này, sau khi khởi phát 1 - 3 ngày, nếu không được điều trị kịp thời và đúng phát đồ bệnh nhân có thể tử vong. VNNB là bệnh cực kỳ nguy hiểm vì dù được điều trị khỏi, bệnh này vẫn để lại di chứng thần kinh đặc biệt nặng nề cho người bệnh (chiếm hơn 50% người bị mắc) như: động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn, tàn phế… Tỷ lệ tử vong của bệnh này rất cao, chiếm khoảng 20%.


Bệnh VNNB xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng thường tăng cao vào các tháng 5, 6 và 7. Để phòng bệnh, người dân cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng, ngủ mùng, loại bỏ các ổ nước tù đọng, diệt lăng quăng để muỗi không có điều kiện sinh sôi. Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh VNNB nhằm tạo miễn dịch chủ động.