10:06, 08/06/2016

Giúp nhiều trẻ em thoát khỏi tật nguyền

Sau 2 năm triển khai, Dự án theo dõi và can thiệp sớm trẻ có nguy cơ tàn tật cao do Tổ chức phi chính phủ L'Appel của Pháp tài trợ đã giúp nhiều trẻ mắc dị tật bẩm sinh trở lại cuộc sống bình thường, mở ra tương lai tốt đẹp cho các em.
 

Sau 2 năm triển khai, Dự án theo dõi và can thiệp sớm trẻ có nguy cơ tàn tật cao do Tổ chức phi chính phủ L’Appel của Pháp tài trợ đã giúp nhiều trẻ mắc dị tật bẩm sinh trở lại cuộc sống bình thường, mở ra tương lai tốt đẹp cho các em.
 
Chị T.N.K.D (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) kể: “Tôi mang song thai, sinh non ở tuần 33 thai kỳ, cân nặng mỗi bé chỉ 1,5kg, phải nuôi lồng kính. Cả 2 bé đều có nguy cơ dị tật, lúc đó gia đình vô cùng lo lắng. Được các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tư vấn tham gia vào diện tầm soát, theo dõi nguy cơ dị tật bẩm sinh thì phát hiện 1 bé bị đa dị tật. Sau 2 năm kiên trì điều trị bằng nội khoa và tập vật lý trị liệu, đến nay, cháu đã thoát khỏi các dị tật, phát triển hoàn toàn bình thường”.
 
Bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tư vấn cho phụ huynh có con trong diện theo dõi và can thiệp dị tật bẩm sinh.
Bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tư vấn cho phụ huynh có con trong diện theo dõi và can thiệp dị tật bẩm sinh.
 
Còn chị N.T.T.L (huyện Cam Lâm) chia sẻ: “Tôi sinh  non ở tuần 28 thai kỳ, bé chỉ cân nặng 1,2kg, phải nuôi lồng kính. Bé được đưa vào diện theo dõi, tầm soát dị tật bẩm sinh và phát hiện bị bệnh lý võng mạc ở mức độ nặng, nguy cơ mù lòa rất cao. Bé được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 can thiệp bằng phẫu thuật. Tôi chưa kịp vui mừng khi mắt con tôi được chữa khỏi thì lại phát hiện bé bị căng cơ lực, được tiên lượng khó chữa khỏi do khả năng bại não rất cao. Tưởng chừng tuyệt vọng, tôi đưa con trở về BVĐK tỉnh và được các bác sĩ hướng dẫn tập luyện theo phác đồ. 20 tháng tuổi, bé khỏi bệnh hoàn toàn trong niềm vui tột cùng của gia đình”.
 
Trên đây là 2 gia đình trong số 169 gia đình trên địa bàn tỉnh có chung niềm vui tầm soát sớm được dị tật cho con ngay khi lọt lòng theo Dự án Theo dõi và can thiệp sớm trẻ có nguy cơ tàn tật cao, do Tổ chức phi chính phủ L’Appel của Pháp tài trợ cho khoa Nhi - BVĐK tỉnh từ tháng 6-2014. Dự án đã hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn trong việc tầm soát, theo dõi, can thiệp sớm dị tật bẩm sinh cho y, bác sĩ và tài trợ một phần kinh phí cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đối tượng được đưa vào dự án là trẻ sinh non dưới 33 tuần tuổi, trẻ sinh có trọng lượng dưới 1,5kg, trẻ đa dị tật, trẻ trong diện điều trị các bệnh lý sơ sinh, trẻ bị ngạt trong quá trình chuyển dạ, trẻ mắc bệnh vàng da, trẻ có bất thường về não…
 
Bác sĩ Trần Thị Lan Anh, khoa Nhi - BVĐK tỉnh cho biết, lợi ích của việc tham gia dự án là trẻ được thăm khám, theo dõi thường xuyên, kịp thời phát hiện những bất thường, từ đó áp dụng điều trị theo phác đồ sẽ dễ mang lại thành công hơn là những trẻ trong cộng đồng để lớn rồi mới phát hiện được. Qua gần 2 năm triển khai dự án, 169 trẻ được theo dõi thường xuyên, tuân thủ tốt các chỉ định của thầy thuốc, thăm khám định kỳ, tỷ lệ can thiệp thành công rất cao. Trong số 169 trẻ, phát hiện 58 trẻ bất thường tâm vận động (nhóm bệnh lý về thần kinh), đã can thiệp điều trị trở về bình thường cho 34 trẻ, số còn lại vẫn đang tiếp tục điều trị; phát hiện 19 trẻ có vấn đề về mắt chủ yếu là bệnh lý võng mạc, một số hồi phục chậm được gửi lên tuyến trên điều trị, đến nay đã có 16 trẻ phục hồi hoàn toàn, 3 trẻ còn lại đang tiếp tục điều trị… Việc phát hiện, can thiệp sớm tình trạng dị tật sẽ góp phần hạn chế số trẻ tật nguyền trong xã hội. Các bậc phụ huynh cần quan sát, theo dõi con những ngày tháng đầu đời, có yếu tố nghi ngờ bất thường hãy đưa đến khoa Nhi vào chiều thứ Hai hàng tuần, trẻ sẽ được khám và đưa vào diện theo dõi, can thiệp khi cần thiết. 
 
Bác sĩ Phạm EnGa, Trưởng khoa Nhi - BVĐK tỉnh cho biết, trước khi có dự án, khoa cũng đã triển khai chương trình tầm soát dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, chương trình chưa có sự quản lý, theo dõi và can thiệp liên tục cho bệnh nhân. Dự án đã hỗ trợ khoa đào tạo nhân lực. Hiện nay, khoa có đủ điều kiện, năng lực để tiếp tục triển khai sau khi dự án kết thúc. 
 
Duy Anh Thư