08:06, 08/06/2016

Cần đầu tư kịp thời về nguồn lực

So với kế hoạch, chiến dịch Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2016 đợt I đang thực hiện chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí. 
 

So với kế hoạch, chiến dịch Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) năm 2016 đợt I đang thực hiện chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí. 
 
Tập trung vào xã đặc biệt khó khăn
 
Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản (SKSS) đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn (gọi tắt là chiến dịch DS-KHHGĐ) năm nay lựa chọn tổ chức tại 5 xã đặc biệt khó khăn là: Sơn Tân (huyện Cam Lâm); Giang Ly, Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh); Ba Cụm Bắc, Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn). Đây là những xã có mức sinh khá cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ.
 
Người dân đến tham gia chiến dịch ở xã Giang Ly.
Người dân đến tham gia chiến dịch ở xã Giang Ly.
 
Theo chỉ tiêu kế hoạch toàn chiến dịch, các xã triển khai phải thực hiện đạt 50% trở lên chỉ tiêu KHHGĐ; 60% trở lên chỉ tiêu đặt dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai năm 2016; đồng thời tăng cường cung cấp thông tin về SKSS, KHHGĐ và các dịch vụ dân số có chất lượng cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên trên địa bàn. Chiến dịch thực hiện trong 2 đợt. Đợt I từ ngày 10 đến 30-5; đợt 2 tiếp tục triển khai và hoàn thành trước ngày 30-9 đối với các xã chưa hoàn thành chỉ tiêu trong đợt I. Tùy theo đặc thù của từng địa phương, Ban chỉ đạo dân số huyện, xã chủ động tổ chức lễ ra quân cũng như thời gian cung cấp dịch vụ cho phù hợp để tất cả người dân có nhu cầu đều được tiếp nhận thông tin và hưởng lợi từ chiến dịch. Tuy nhiên, phải đảm bảo tiến độ kế hoạch chiến dịch chung trên toàn tỉnh. Ngoài 3 huyện có xã nằm trong chiến dịch của tỉnh, các địa phương có thể chủ động chọn các xã vùng khó khăn để hưởng ứng chiến dịch mở rộng. Theo đó, năm nay, huyện Vạn Ninh chọn xã Xuân Sơn;  TP.  Cam Ranh chọn xã Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Bình, Cam Lập, Cam Phước Đông, Cam Thành Nam tổ chức chiến dịch mở rộng, cung cấp dịch vụ SKSS, KHHGĐ cho người dân. 
 
Bà Trần Mai Thị Kim Hòa - Phó Chủ tịch huyện, Trưởng Ban chỉ đạo dân số huyện Cam Lâm cho biết, xã Sơn Tân tập trung 90% đồng bào dân tộc Raglai. Nhiều năm qua, tuy xã đã có chuyển biến tích cực về giảm sinh, nhưng theo báo cáo năm 2015, tỷ suất sinh 29,2‰ và tỷ lệ sinh con thứ 3 là 13,3% ở xã vẫn còn cao so với mặt bằng chung của toàn huyện. Vì thế, Cam Lâm đã chọn Sơn Tân tổ chức chiến dịch đúng theo tiêu chí cấp trên giao. 
 
Khó khăn về kinh phí
 
Chiến dịch năm nay chọn tổ chức tập trung tại các xã đặc biệt khó khăn đã mang lại niềm vui cho không ít người dân. Chị Mấu Thị Liên (thôn Suối Cốc, xã Sơn Tân) cho biết, chị sinh năm 1978, đã có 5 người con, cuộc sống khó khăn nhưng không có điều kiện thực hiện KHHGĐ. Nhờ có chiến dịch về tận xã nên chị chọn phương pháp cấy tránh thai để dừng sinh. Chị Tro Thị Mí (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) đã có 2 con gái, nghe có chiến dịch tổ chức tại Trạm Y tế xã nên chị đến để cấy tránh thai. 
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, so với năm trước, chiến dịch đợt I năm nay đã thực hiện chậm tiến độ. Hiện nay, 5 xã vẫn đang triển khai. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, mới thực hiện được 13 ca cấy tránh thai, 25 ca tầm soát cổ tử cung, 8 ca đặt dụng cụ tử cung, 232 ca tiêm tránh thai, soi tươi 81 trường hợp, cấp phát 155 bao cao su và 806 vỉ viên tránh thai. 
 
Bà Trần Thị Vân Anh - Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, hàng năm, nguồn kinh phí thực hiện chiến dịch được bố trí từ chương trình mục tiêu quốc gia và được phân bổ đúng thời hạn. Năm nay, chương trình mục tiêu quốc gia không còn nữa, kinh phí từ chương trình mục tiêu y tế - dân số hiện tại vẫn chưa có. Các huyện có xã tổ chức chiến dịch phải huy động sự hỗ trợ hoàn toàn từ nguồn ngân sách địa phương nên ảnh hưởng đến tiến độ cũng như các hoạt động của chiến dịch. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương nên các hoạt động đều được đảm bảo như: thăm hộ gia đình, truyền thông qua loa đài, phát tờ rơi, tuyên truyền nhóm, tuyên truyền lồng ghép. Một số huyện còn tổ chức lễ ra quân diễu hành và truyền thông lưu động đến các xã triển khai chiến dịch, thu hút đông đảo người dân tham gia.  
 
Những năm qua, nhờ có tổ chức chiến dịch trên địa bàn tỉnh nên số cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng nhiều, số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên giảm rõ rệt, quy mô dân số từng bước được kiểm soát, chất lượng dân số ngày được nâng lên. Chiến dịch cũng đã tạo môi trường tích cực, thuận lợi cho nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Để duy trì kết quả đạt được, thời gian tới, cần có sự đầu tư kịp thời về kinh phí và hỗ trợ nguồn nhân lực đúng mức từ các cấp chính quyền. Có như vậy, người dân vùng đặc biệt khó khăn mới có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống. 
 
Khánh Trang