Kết quả đề tài khoa học "Khảo sát tình hình một số dị tật bẩm sinh (DTBS) ở trẻ em từ 0 đến 36 tháng tuổi trên địa bàn TP. Nha Trang, Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa" của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu ...
Kết quả đề tài khoa học “Khảo sát tình hình một số dị tật bẩm sinh (DTBS) ở trẻ em từ 0 đến 36 tháng tuổi trên địa bàn TP. Nha Trang, Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa” của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu đã mở ra nhiều giải pháp can thiệp sớm cho trẻ em bị DTBS trên địa bàn tỉnh.
Khảo sát về dị tật bẩm sinh ở trẻ
Đề tài này được bác sĩ Nguyễn Văn Xáng thực hiện từ tháng 10-2013 đến tháng 1-2016, với mục tiêu xác định tỷ lệ DTBS ở trẻ em từ 0 đến 36 tháng tuổi; phân tích các giải pháp đã can thiệp và đề xuất các giải pháp can thiệp sớm.
Kết quả đề tài cho thấy, trong tổng số 1.496 trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi tham gia nghiên cứu, khám sàng lọc, đã phát hiện 87 trường hợp bị DTBS, chiếm 5,82%. Trẻ nam có nguy cơ bị DTBS cao gần 2 lần so với trẻ nữ. Trong số 87 trường hợp DTBS có 33 trường hợp được phát hiện sau 1 tuổi, chiếm 37,93%; chỉ có 2 trường hợp được phát hiện trong thai kỳ, chiếm 2,30%; còn lại 31,03% trường hợp phát hiện trong giai đoạn 1 - 12 tháng tuổi; 28,74% trường hợp phát hiện trong giai đoạn sơ sinh; 20,69% trường hợp trẻ DTBS mới được khám phát hiện trong quá trình thực hiện đề tài.
Đề tài còn đi sâu nghiên cứu tỷ lệ về phân loại DTBS như: khuyết tật về vận động, nhìn, nghe nói, trí tuệ, tâm thần… Đáng chú ý, trong số 87 trẻ bị DTBS, tỷ lệ trẻ bị DTBS ở hệ tiết niệu chiếm cao nhất với 1,13%. Nghiên cứu còn thể hiện, nguy cơ có con DTBS ở những gia đình có tiền sử có người bị DTBS cao gấp 2,45 lần so với những gia đình có tiền sử bình thường; tỷ lệ trẻ DTBS trong nhóm trẻ sinh non cao gấp 3,1 lần so với trẻ sinh ở tuổi thai bình thường; tỷ lệ trẻ DTBS trong nhóm cân nặng khi sinh thấp hơn 2.500g lớn gấp 3,7 lần so với các trẻ trong nhóm cân nặng khi sinh bằng hoặc lớn hơn 2.500g.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, kết quả nghiên cứu của đề tài có sự chênh lệch về tỷ lệ DTBS ở trẻ em so với một số kết quả đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước do mỗi nghiên cứu có sự quan tâm khác nhau về lứa tuổi. Tuy nhiên, kết quả đề tài này (trẻ em nằm trong nhóm tuổi từ 0 đến 36 tháng) phù hợp với kết quả của WHO.
Nên có giải pháp can thiệp sớm
Để phòng ngừa giảm thiểu tỷ lệ trẻ bị DTBS trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều giải pháp can thiệp như: tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ trước, trong khi mang thai và sau sinh; thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh; điều trị và can thiệp sau khi phát hiện DTBS.
Dựa vào kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất các giải pháp can thiệp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe trước và trong khi mang thai; triển khai rộng rãi khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh; thường xuyên tổ chức khám sức khỏe cho trẻ em trong cộng đồng; tăng cường năng lực can thiệp sớm DTBS; tăng cường nguồn nhân lực, huy động nguồn kinh phí, thiết lập hệ thống giám sát trẻ DTBS trên địa bàn tỉnh; xây dựng trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh. Tác giả nhấn mạnh: “Trước tiên là xây dựng quy trình, hệ thống sàng lọc DTBS trên toàn tuyến có sự chỉ đạo của ngành Y tế, từng bước đưa chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh thành một chương trình chuyên biệt tại các bệnh viện tuyến huyện và tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, tiến đến thành lập trung tâm sàng lọc tại tỉnh”.
Đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Xuân - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng cho biết, đề tài đã cung cấp được các thông tin quan trọng về tình hình DTBS cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh; mô tả tổng thể về nguồn lực hiện có trong công tác phát hiện, xử lý và theo dõi trẻ bị DTBS; đưa ra được các giải pháp nhằm phát hiện sớm dị tật để can thiệp sớm trong 3 năm đầu đời.
Đồng ý với quan điểm của bác sĩ Xuân, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh đã nghiệm thu đề tài với kết quả đạt; đồng thời đề nghị nên ứng dụng giá trị nghiên cứu của đề tài vào thực tiễn để nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
M.T