05:04, 26/04/2016

Phương pháp tối ưu

Dưới sự chuyển giao của Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu (BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) vừa tiếp nhận kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng phương pháp Laser nội mạch, có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp cũ.

Dưới sự chuyển giao của Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu (BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) vừa tiếp nhận kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng phương pháp Laser nội mạch, có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp cũ.


Bà Nguyễn Thị Kim Nga (58 tuổi, TP. Nha Trang) là 1 trong 24 bệnh nhân bị mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân (còn gọi suy giãn tĩnh mạch chi dưới) đã được phẫu thuật thành công bằng phương pháp Laser nội mạch tại BV Đa khoa tỉnh trong tháng 4. Bà Nga cho biết, bà bị bệnh này gần 5 năm nay. Thời gian đầu, bệnh gây nhức, nóng ran bàn chân, nhất là những lúc đi lại nhiều hoặc ngồi lâu. Thời gian sau, thỉnh thoảng chân của bà bị phù khi đứng lâu, xuất hiện các mạch máu nổi li ti ở chân. “2 năm trước, tôi đã thực hiện phẫu thuật tại BV Đa khoa tỉnh, nhưng do không thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật nên bị tái phát. Khi biết BV thực hiện điều trị bệnh này bằng phương pháp mới, tôi đăng ký phẫu thuật lần 2. So với lần trước, lần phẫu thuật này tôi thấy ít đau hơn, thời gian mổ ngắn, vết sẹo rất nhỏ, sau 1 ngày mổ tôi có thể đi lại”, bà Nga nói.

 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược  TP. Hồ Chí Minh
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh


Bác sĩ Trần Minh Bảo Luân, Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu (BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật này cho biết: “Phương pháp của phẫu thuật này là đưa tia Laser đến thành tĩnh mạch qua trung gian của một sợi cáp quang (sợi Laser) kích cỡ rất nhỏ (khoảng 600 micron), nhiệt từ ánh sáng Laser làm teo, xơ hóa các tĩnh mạch bị giãn không còn chức năng. So với phương pháp cổ điển là mổ hở thực hiện lột tĩnh mạch, ưu điểm của phương pháp này là vết mổ nhỏ, bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh sau khi can thiệp, hạn chế tối đa thời gian chăm sóc hậu phẫu, chỉ cần gây tê cục bộ tại khu vực cần thực hiện phẫu thuật nên rất ít có biến chứng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho những ca mắc ở độ trung bình, đối với những ca nặng vẫn phải thực hiện phẫu thuật hở”.


Bác sĩ Lê Việt Huấn, Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu (BV Đa khoa tỉnh) cho biết, suy giãn tĩnh mạch chân là hiện tượng suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại, gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Bệnh lý này hiện nay xuất hiện khá nhiều, nữ mắc nhiều hơn nam (cứ 2 người nữ có 1 người bị mắc bệnh lý này). Bệnh thường gặp ở độ tuổi trên 30, tập trung nhiều ở những người làm nghề đòi hỏi phải ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động như: nhân viên văn phòng, tài xế, giáo viên, cán bộ y tế... Có khá nhiều nguyên nhân gây nên bệnh suy giãn tĩnh mạch chân như: mang thai, béo phì, chế độ ăn nhiều thịt và chất bột đường, ít ăn rau - trái cây hoặc dùng thường xuyên giày cao gót…

 

Các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân: đau chân, nặng chân, sưng chân, chuột rút về đêm, tê chân. Các dấu hiệu nhận biết: mạch máu ở chân nổi hình mạng nhện hoặc nổi ngoằn ngoèo, mạch máu phình to, lở loét, chân phình to.

“Mặc dù là bệnh phổ biến, nhưng nhiều người không biết mình bị bệnh vì triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với chứng viêm khớp, đau khớp chân… Người bệnh chỉ đi khám khi thấy các triệu chứng đau nhức, tê buốt, phù chân, thậm chí có người để đến giai đoạn biến chứng nặng như loét chân mới đi khám. Biến chứng nguy hiểm của bệnh này là ở giai đoạn cuối có thể xuất hiện các cục máu đông trong tĩnh mạch, các cục máu đông này có thể gây tắc mạch máu phổi dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Huấn cảnh báo.


Bác sĩ Luân khuyên: “Sau khi được phẫu thuật, để tránh bệnh tái phát, các bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm các chỉ định sử dụng thuốc, nhất là phải thường xuyên mang vớ áp lực y khoa mỗi ngày”.


T.L