Từ ngày 1-1-2016, việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh Khánh Hòa được thông tuyến.
Từ ngày 1-1-2016, việc khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh Khánh Hòa được thông tuyến.
Thông tuyến khám, chữa bệnh
Ông Nguyễn Tuân - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh khẳng định, theo Thông tư số 40 của Bộ Y tế, từ ngày 1-1-2016, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại một cơ sở y tế cấp huyện được quyền KCB BHYT tại tất cả các cơ sở y tế cấp huyện (công lập và ngoài công lập) còn lại trên địa bàn tỉnh, được thanh toán BHYT đầy đủ như khi KCB tại cơ sở đăng ký ban đầu.
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh thực hiện phẫu thuật Phaco cho bệnh nhân đục thủy tinh thể |
Theo đó, trên địa bàn tỉnh, người bệnh có thẻ BHYT có thể đến KCB tại tất cả các trạm y tế, phòng khám đa khoa, BV tuyến huyện (thuộc các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố) và các cơ sở y tế ngoài công lập: BV Đa khoa Tâm Trí Nha Trang, BV 22-12, BV Giao thông vận tải Nha Trang, Phòng khám Đa khoa Phúc Sinh, Phòng khám Đa khoa Medic, Phòng khám Đa khoa Tín Đức, Phòng khám Đa khoa Trí Khang (TP. Nha Trang).
Riêng BV Mắt Sài Gòn - Nha Trang là tuyến huyện, nhưng người bệnh khi đến KCB (ngoại trú và nội trú) tại đây chỉ được hưởng BHYT trái tuyến, nghĩa là chỉ được hưởng 70% theo tuyến của BV (trừ trường hợp cấp cứu hoặc có giấy chuyển viện). Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh chỉ tổ chức KCB ngoại trú nên người có thẻ BHYT không được thanh toán KCB BHYT vượt tuyến, trái tuyến (trừ trường hợp cấp cứu hoặc có giấy chuyển viện).
Người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh gồm: BV Đa khoa tỉnh, BV Quân y 87, BV Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, BV Đa khoa khu vực Cam Ranh, BV Đa khoa khu vực Ninh Hòa về KCB tại các cơ sở y tế tuyến huyện (cả công lập và ngoài công lập) nếu không phải cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến thì được coi là KCB không đúng tuyến.
Cũng theo quy định của Thông tư 40, các BV chuyên khoa: Lao và bệnh Phổi, Da liễu, Bệnh nhiệt đới tỉnh là cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh. Người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế này được hưởng BHYT trái tuyến theo tuyến của BV là 60% (trừ trường hợp cấp cứu hoặc có giấy chuyển viện), nhưng nếu KCB ngoại trú thì không được thanh toán.
Bệnh nhân hưởng lợi
Thông tư 40 của Bộ Y tế đã mở ra rất nhiều quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trước đây, người bệnh có thẻ BHYT chỉ có thể KCB tại nơi đăng ký ban đầu, còn nếu tự đến các cơ sở y tế khác đều bị xếp vào đối tượng trái tuyến nên ảnh hưởng quyền lợi khi thanh toán BHYT. Ông Trần Lợi (54 tuổi, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi thường về quê ở huyện Cam Lâm, nhưng do mắc bệnh hen phế quản mãn tính nên mỗi khi về quê, tôi không dám ở lại lâu mà phải về lại TP. Nha Trang để KCB theo đúng tuyến BHYT. Bây giờ, tôi không phải lo nữa vì có thể điều trị ở cơ sở y tế gần đó nếu bệnh tái phát”.
Việc thông tuyến còn giúp người bệnh được quyền lựa chọn nơi phục vụ có chất lượng và phù hợp để điều trị. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ sở y tế tuyến huyện nào thu hút được nhiều bệnh nhân thì càng có nhiều kinh phí để hoạt động. Chính vì thế, đòi hỏi các cơ sở y tế tuyến huyện phải luôn tự đổi mới thông qua việc nâng cao chất lượng chuyên môn và cung cách phục vụ. Bác sĩ Trần Tấn Thiện - Giám đốc BV Đa khoa huyện Vạn Ninh cho biết, trước khi Thông tư 40 có hiệu lực, BV đã có phương án củng cố lại các phòng khám, quy trình tiếp nhận bệnh nhân tinh gọn và hiệu quả, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và nâng cao chất lượng KCB. Bác sĩ Điệp Bảo Lộc - Phó Giám đốc phụ trách BV Đa khoa huyện Khánh Vĩnh khẳng định, BV đã có kế hoạch phát triển nhiều dịch vụ mới về mảng ngoại, nội và sản trong thời gian tới.
Bên cạnh những lợi ích do Thông tư 40 mang lại, cơ quan BHYT và lãnh đạo các cơ sở y tế tuyến huyện cũng thừa nhận, hiện nay, do chưa có phần mềm quản lý bệnh nhân có thẻ BHYT thông suốt giữa các cơ sở y tế tuyến huyện với nhau nên một số bệnh nhân sẽ lợi dụng thông tư này đến khám bệnh ở nhiều cơ sở y tế khác nhau trong một ngày để lãnh thuốc đem bán. Bác sĩ Thiện cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, mỗi BV sử dụng phần mềm quản lý riêng, không đồng nhất và không liên kết với nhau trong cùng hệ thống nên khó có thể quản lý được bệnh nhân có thẻ BHYT”.
T.L