11:01, 14/01/2016

Nguy cơ gia tăng bệnh ho gà

Thời gian gần đây, do không được tiêm phòng đầy đủ nên nhiều trẻ em mắc bệnh ho gà. Các chuyên gia y tế lo ngại, số ca mắc bệnh ho gà sẽ tăng cao, dịch bệnh có thể bùng phát nếu người dân quay lưng lại với chiến dịch tiêm chủng mở rộng.

Thời gian gần đây, do không được tiêm phòng đầy đủ nên nhiều trẻ em mắc bệnh ho gà. Các chuyên gia y tế lo ngại, số ca mắc bệnh ho gà sẽ tăng cao, dịch bệnh có thể bùng phát nếu người dân quay lưng lại với chiến dịch tiêm chủng mở rộng.


Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một trong những nguyên nhân chính trẻ không được tiêm vaccine đúng lịch là do một số bà mẹ chờ đợi vaccine dịch vụ. Việc chờ đợi này thực sự rất nguy hiểm, vì tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong của bệnh ho gà cao nhất ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Tiêm đủ 3 mũi theo quy định và lịch tiêm chủng quốc gia có thể giúp khả năng phòng bệnh ho gà lên tới tới 80 - 90%. Các loại vaccine có thể phòng được bệnh ho gà hiện nay trong Chương trình tiêm chủng mở rộng gồm: vaccine “3 trong 1” DPT, vaccine “5 trong 1” Quinvaxem; và các vaccine dịch vụ đang được sử dụng như “5 trong 1” Pentaxim, “6 trong 1” Infanrix Hexa. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải nghỉ học, cách ly ít nhất 4 tuần và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây truyền không, vì bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí.

 

Lịch tiêm chủng vaccine DTP
hoặc Quinvaxem

Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi

Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi

Được biết, ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như: hộ gia đình, trường học. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Trong đó, biến chứng bội nhiễm phổi là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở trẻ dưới 3 tuổi. Ngoài ra, biến chứng viêm phổi do vi khuẩn ho gà gây ra hay gặp ở người chưa có miễn dịch với bệnh. Những trường hợp trẻ bị ho gà dẫn đến tử vong, nguyên nhân thường do bị viêm phổi, hít sặc (tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 1 tuổi chiếm 3/4).


P.V