10:01, 03/01/2016

Nên cho trẻ đi tiêm Quinvaxem theo đúng lịch

Vừa qua, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xảy ra hiện tượng phụ huynh phải xếp hàng cả đêm để được tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pantexim cho con. Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang khẳng định, tại Khánh Hòa không có tình trạng người dân chen lấn ....

Vừa qua, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xảy ra hiện tượng phụ huynh phải xếp hàng cả đêm để được tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pantexim cho con. Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang khẳng định, tại Khánh Hòa không có tình trạng người dân chen lấn xếp hàng từ sáng sớm để tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim.


- Xin Viện trưởng cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?


- Ngay khi thấy có dấu hiệu thiếu vắc xin 5 trong 1 Pentaxim, Viện Pasteur Nha Trang đã có thông báo chỉ ưu tiên tiêm mũi 2, mũi 3 cho trẻ đã tiêm mũi 1. Đối với trẻ tiêm mũi 1 hoặc mũi 4, khi nào có vắc xin thì Viện mới triển khai tiêm. Cuối tháng 12-2015, Viện nhập về 500 liều Pentaxim. Trong đó, chúng tôi phân bổ 350 liều tiêm mũi 2, 3 cho trẻ; 150 liều còn lại được dùng tiêm cho trẻ mũi 1. Hiện nay, tại Khánh Hòa, số trẻ đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim khoảng 2.000 trẻ.

Theo tôi được biết thì đến tháng 4-2016, tình trạng khan hiếm vắc xin Pentaxim mới chấm dứt.


- Thời gian qua, do nhiều thông tin phản ánh chưa đúng về mức độ phản ứng sau tiêm của Quinvaxem, vì lo sợ nên nhiều phụ huynh đã đưa con đi tiêm vắc xin Pentaxim dịch vụ. Ông có thể so sánh mức độ phản ứng sau tiêm của Pentaxim và Quinvaxem?


- Vắc xin Quinvaxem và vắc xin Pentaxim khác nhau ở thành phần ho gà. Vắc xin Quinvaxem sử dụng công nghệ toàn tế bào (vẫn còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn); vắc xin Pentaxim sử dụng công nghệ vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn). Do đó, vắc xin ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng sau tiêm như: sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, sưng đau tại chỗ tiêm… cao hơn so với vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thành phần ho gà toàn tế bào có trong vắc xin Quinvaxem có thể tạo miễn dịch phòng bệnh bền vững và tốt hơn so với vắc xin có thành phần ho gà vô bào.


Cũng như thuốc và các sinh phẩm, không có loại vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Các trường hợp phản ứng sốc và phản ứng quá mẫn đều có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc hoặc vắc xin nào trên một số trẻ có cơ địa nhạy cảm. Thực tế, có trường hợp cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin nhưng sau tiêm có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác thì bình thường.


Tỷ lệ phản ứng nặng và trường hợp tử vong của vắc xin Quinvaxem và Pentaxim là như nhau. Tuy nhiên, hiện nay do vắc xin Pentaxim mới triển khai tiêm dịch vụ nên số lượng trẻ được tiêm chiếm một lượng rất nhỏ, nếu vắc xin này được triển khai đại trà như Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chưa ai dám khẳng định nó có ít phản ứng, ít nguy hiểm hơn tiêm Quinvaxem.


- Ông có lời khuyên nào đối với những phụ huynh còn băn khoăn về chất lượng của Quinvaxem?


- Vắc xin Quinvaxem là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh: viêm gan B, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib. Tất cả các bệnh này đều là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt đối với trẻ em 1 tuổi, bởi các em là đối tượng dễ cảm nhiễm bệnh nhất. Không chỉ được sử dụng ở Việt Nam,  Quinvaxem còn được sử dụng phổ biến tại 94 quốc gia với hơn 450 triệu liều, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chống lại các dịch bệnh nguy hiểm.


So với vắc xin Quinvaxem, Pentaxim không có phòng  bệnh viêm gan B, thay vào đó là phòng bệnh bại liệt. Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được loại trừ cách đây hơn 5 năm, ngoài ra, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng ta đã có vắc xin uống phòng bệnh bại liệt. Thêm nữa, vắc xin Quinvaxem được tiêm chủng miễn phí hoàn toàn, trong khi Pentaxim thì phải chi trả hơn 500.000 đồng/liều. Thời gian tới, nếu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc không tiếp tục tài trợ, người dân phải tự bỏ tiền ra mua, lúc đó giá của Quinvaxem sẽ không rẻ hơn Pentaxim.


Ngoài ra, sắp đến mùa của bệnh ho gà, bạch hầu…, vì thế người dân nên cho trẻ đi tiêm Quinvaxem theo đúng lịch tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng. Theo khuyến cáo của WHO: cần kết thúc 3 liều tiêm cơ bản cho trẻ trước 6 tháng tuổi, nghĩa là liều tiêm đầu tiên không được để qua tháng thứ 4. Việc chần chừ tiêm chủng khi trẻ đã đến tuổi tiêm chủng có thể dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh. Ước tính hàng năm, nếu không được bảo vệ bằng vắc xin thì sẽ có gần 60.000 trẻ nhiễm viêm gan siêu vi B mãn tính và 25% số đó sau này chuyển thành xơ gan, ung thư gan, chưa kể mỗi trường hợp mắc là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng.


- Xin cảm ơn ông!


THẢO LY (Thực hiện)