Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết tăng cao tại địa phương, các trường học trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tập trung nhiều biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong nhà trường.
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao tại địa phương, các trường học trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tập trung nhiều biện pháp phòng, chống bệnh SXH trong nhà trường.
Tuy ngành chức năng huyện Vạn Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng dịch bệnh SXH vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có 533 ca SXH, nâng số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay lên 1.232 trường hợp. Con số thống kê này cho thấy công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Hiện nay, số trẻ em nhập viện do SXH chiếm tỷ lệ khá cao, cứ 5 người nhập viện thì có 3 bệnh nhân là trẻ em, những ca bệnh nặng cũng phần lớn là trẻ em. Vì vậy, công tác phòng, chống SXH trong nhà trường là việc làm cấp bách, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học.
Cô Trần Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Vạn Hưng cho biết, ngay từ đầu tháng 10, nhà trường đã lên kế hoạch phòng, chống dịch bệnh SXH cho học sinh (HS). Bên cạnh chú trọng công tác vệ sinh môi trường sạch sẽ, loại bỏ những vật dụng chứa nước ứ đọng trong các lớp học và xung quanh nhà trường, thả cá vàng để diệt bọ gậy, nhà trường còn tuyên truyền cho phụ huynh về cách phòng, chống SXH tại nhà như: mắc màn khi ngủ, sử dụng kem chống muỗi và hạn chế cho trẻ chơi ở bóng tối khi trời sẩm và bụi cây rậm. Ngoài ra, trẻ đến trường đều được giáo viên kiểm tra sức khỏe bằng cách đo thân nhiệt, nếu trẻ có dấu hiệu mệt mỏi và sốt trên 37,5 độ thì phải trao đổi với cán bộ y tế chuyên trách nhà trường. Đặc biệt, trẻ ngủ trưa ở trường được nằm trong màn để tránh muỗi đốt... Nhờ những nỗ lực trên, nên đến thời điểm này, trường chưa có HS nào mắc SXH.
Ông Nguyễn Xuân Phượng - cán bộ y tế Trường Tiểu học Vạn Lương 1 cho biết, hiện nay, nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo và quán triệt đến từng giáo viên thực hiện tuyên truyền về tình hình SXH cho HS trong các buổi chào cờ và giờ ra chơi, giúp các em biết được nguyên nhân và cách phòng ngừa SXH, nhất là hướng dẫn cho HS lớp 5 biết cách diệt bọ gậy. Bên cạnh đó, trường còn chỉ đạo nhân viên phục vụ dọn vệ sinh thường xuyên, không để nước tù đọng, không để cho muỗi có điều kiện trú ngụ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tấn Thiện - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, SXH rất dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng con đường muỗi đốt, nhất là đối với HS mẫu giáo và tiểu học, bởi ở độ tuổi này các em chưa biết cách phòng, chống. Hiện nay, phần lớn các trường học đều có cán bộ y tế chuyên trách, nên công tác phòng, chống SXH sẽ thuận lợi hơn. Mới đây, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức tập huấn công tác phòng, chống SXH cho lãnh đạo các trường học để triển khai ở đơn vị.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Từng - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vạn Ninh, để chủ động phòng bệnh SXH, không để lây lan trong trường học, phòng đã chỉ đạo đến tất cả 54 trường học, từ mẫu giáo, tiểu học và THCS trên địa bàn khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho HS và phụ huynh nâng cao nhận thức về cách phòng, chống SXH. Đến nay, hầu hết các trường đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của ngành.
Văn Dư