Hơn 2 tháng nay, số trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp tăng đột biến, chiếm hơn 1/2 số trẻ đang điều trị tại khoa Nhi ở các bệnh viện.
Hơn 2 tháng nay, số trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp tăng đột biến, chiếm hơn 1/2 số trẻ đang điều trị tại khoa Nhi ở các bệnh viện (BV).
Số trẻ mắc bệnh tăng đột biến
Khoa Nhi, BV Đa khoa tỉnh dành riêng 25 giường bệnh để điều trị bệnh hô hấp nhưng luôn chật kín, nên bệnh nhân (BN) phải nằm ghép 3 người/giường. Trong khi đó, khoa liên tục tiếp nhận BN mới, bình quân khoảng 30 ca/ngày. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy - Phó Trưởng khoa Nhi, hơn 2 tháng nay, mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 250 BN, trong đó, chiếm 2/3 là BN mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Một số ca nhập viện trong tình trạng bệnh khá nặng, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân |
Cháu Nguyễn Gia Khánh (8 tháng tuổi, phường Phước Hải, TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng sốt cao, thở nhanh, khò khè. Mẹ cháu, chị Trần Ngọc Liên cho biết, cháu được chẩn đoán bị viêm phổi nặng do biến chứng của bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp. Sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, sức khỏe cháu dần ổn định. Cháu Phạm Đông Hải (3 tuổi, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, thở khò khè, chảy nước mũi, có mủ ở tai. Cháu được chẩn đoán bị nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp nặng, gây biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của cháu đã ổn định.
Tại các BV Đa khoa khu vực Cam Ranh, Ninh Hòa, BV Đa khoa Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm cũng tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp. Số trẻ điều trị bệnh này chiếm khoảng 30 - 40% số trẻ đang điều trị tại khoa Nhi của các BV. Theo các bác sĩ, do đang vào thời điểm chuyển mùa, trời trở lạnh đột ngột, mưa nắng thất thường, sức đề kháng của trẻ còn yếu nên dễ mắc bệnh, nhất là bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, đa số phụ huynh đã có ý thức và ít chủ quan nên phần lớn trẻ được đưa vào viện kịp thời, nhờ đó công tác điều trị thuận lợi hơn. Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Cam Ranh cho biết, tuy số lượng trẻ nhập viện đông nhưng số ca đến khi bệnh đã chuyển nặng rất ít.
Nên tiêm vắc xin phòng ngừa cúm
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thành - Khoa Nhi, BV Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, trong đó trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất. Bệnh thường được chia làm 2 loại, nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp trên (mũi, xoang mũi, họng, thanh quản) và nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp dưới (phế quản, phổi và phế nang). Biểu hiện bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp trên thường là cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan, bệnh bạch hầu. Ở thể nhẹ, bệnh có triệu chứng chảy nước mũi trong, hắt hơi, ho nhẹ, khô hốc mũi. Bệnh thường kéo dài khoảng vài ngày đến 2 tuần, sau đó các triệu chứng nhẹ dần và khỏi hẳn. Diễn biến nặng của bệnh là trẻ mệt mỏi, sốt trên 38 độ C, co giật, khó thở, bỏ bú hoặc bỏ ăn. Nếu bệnh kéo dài có thể gây ra các biến chứng như: viêm tai giữa, nhiễm khuẩn lan xuống đường hô hấp gây viêm phổi. Nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp dưới dẫn đến viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ. Dấu hiệu thông thường của viêm phổi là sốt cao đột ngột trên 39 độ C. Có trường hợp bắt đầu bằng cơn rét run, sau đó xuất hiện sốt, tức ngực và ho. Lúc đầu ho khan, về sau có đờm, khó thở, nhịp thở nhanh, mạch nhanh, mệt mỏi, chán ăn, có khi co giật, trướng bụng, nước tiểu ít và sẫm màu.
Nguy hiểm nhất đối với nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp dưới là bệnh viêm tiểu phế quản. Đây là bệnh lý hô hấp thường gặp nhất ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. BN có thể tử vong nhanh do các nhánh phế quản bị viêm tấy, phù nề, tăng tiết dịch, làm tắc nghẽn đường thở. Khởi đầu bệnh dễ ngộ nhận như viêm hô hấp thông thường, trẻ bú ít, sốt vừa hoặc sốt cao, chảy mũi trong, ho. Vài ngày sau ho tăng thêm, trẻ bỏ bú, thở nhanh, khó thở, co lõm trên ức, co lõm hạ sườn, thở có tiếng rít, một số trường hợp biểu hiện ngộp thở dữ dội, tím tái, có khi ngừng thở. Bệnh này nếu không được điều trị sớm thường dẫn đến các biến chứng như: viêm phổi, xẹp phổi, viêm tai giữa, suy hô hấp và dẫn đến tử vong, nhất là đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non, suy dinh dưỡng nặng, trẻ có kèm bệnh tim bẩm sinh hoặc những bất thường về hô hấp.
Theo các bác sĩ, bệnh lý trên chưa có phương thức phòng, chống đặc trị, cách tốt nhất để phòng ngừa là tăng đề kháng bằng cách vệ sinh và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ; cần giữ ấm, cho trẻ uống nước ấm thường xuyên, khi ra đường phải mang khẩu trang cho trẻ. Ngoài ra, hàng năm, phụ huynh nên tiêm vắc xin phòng ngừa cúm cho trẻ.
T.L