10:12, 03/12/2015

Hút thuốc lá gây nhiều bệnh ung thư

Một báo cáo do Mỹ công bố cho thấy, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư. Tuy nhiên, vì 7.000 chất độc này không hiện hữu trước mắt nên người hút thuốc lá vẫn dửng dưng.  

Một báo cáo do Mỹ công bố cho thấy, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư. Tuy nhiên, vì 7.000 chất độc này không hiện hữu trước mắt nên người hút thuốc lá vẫn dửng dưng.   


Bác sĩ Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Khánh Hòa cho biết, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong trên thế giới. Theo báo cáo của Mỹ, những chất có thể gây ung thư trong thuốc lá là axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)... Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra nhiều loại bệnh khác nhau như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tràn dịch màng phổi do lao, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... Ngoài ra, những người hít thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.


Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiến hành thử nghiệm tác hại của thuốc lá đến lá phổi của con người. Các nhà khoa học thử nghiệm với 400 điếu thuốc. Kết quả cho thấy, khi đốt hết 150 điếu thuốc thì màu nước trong bình (tượng trưng cho lá phổi con người) đã chuyển từ màu trắng trong sang màu vàng như nước chè pha loãng. Khi đốt đến điếu thứ 380 thì nước đã chuyển thành màu đen đặc như cà phê do thấm nhựa và sau 400 điếu, nước đen kịt như nước cống. Sau khi tiến hành đun chỗ nước này lên, bốc hết hơi nước, các nhà khoa học thu lại được 7,2g nhựa, rất dính và đắng. Tương tự như vậy, khi hút thuốc, với số lượng đạt như mức thử nghiệm, lá phổi của con người cũng trở nên đen kịt do hắc ín dính chặt. Và đó là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư phổi ngày càng phổ biến trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.


Tại Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những năm gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi đến khám và điều trị ngày càng tăng. Nếu như năm 2011, số ca mắc là 187 ca thì năm 2012 tăng lên 257 ca, năm 2013 là 279 ca, đến năm 2014 tăng lên 368 ca. Trong số bệnh nhân trên, hơn một nửa là những người nghiện hút thuốc lá. Tỷ lệ bệnh nhân mắc căn bệnh này dưới 40 tuổi chiếm khoảng 1/3. Tương tự, tại Khoa Nội tổng hợp thần kinh, số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện điều trị cũng tăng nhiều trong những năm gần đây, trong đó gần 90% bệnh nhân mắc căn bệnh này có hút thuốc lá. Và điều đáng lo ngại là tỷ lệ bệnh nhân trẻ ngày càng nhiều.


Nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế năm 2011 cho thấy, có khoảng 11% tổng số ca tử vong ở nam giới có liên quan đến thuốc lá. Tỷ lệ nam thanh thiếu niên ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc ở độ tuổi trung bình là 19 và khoảng 43% người hút thuốc hiện nay nằm trong độ tuổi từ 15 đến 45. Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, theo kết quả điều tra (năm 2014) của Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh (thực hiện trên 430 người), tỷ lệ người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh chiếm 31,1%, trong đó có 26,5% người hút hàng ngày.


Theo báo cáo của WHO, hàng năm, trên thế giới có 5,4 triệu người chết do hút thuốc chủ động và khoảng 600.000 người chết do hút thuốc thụ động. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, gấp 4 lần số người chết vì tai nạn giao thông. WHO cảnh báo, nếu Việt Nam không có các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá mạnh và hiệu quả thì đến năm 2030, số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng đến 70.000 người/năm. Không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe con người mà thuốc lá cũng chính là một nguyên nhân gây ra đói nghèo. Mỗi năm, Việt Nam tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đồng cho những chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến thuốc lá.  


Tại TP. Nha Trang, thời gian qua, thông qua sự hỗ trợ của Hội Y tế công cộng Việt Nam và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), thành phố đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá như: treo các bảng cấm hút thuốc lá ở cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học, bến xe, nơi công cộng; đưa hoạt động này vào phong trào thi đua của các tổ chức, đơn vị; tổ chức các đợt kiểm tra tại các điểm cấm hút thuốc lá trên địa bàn... Việc triển khai đồng bộ các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về tác hại của thuốc lá.


Tuy nhiên, để xây dựng TP. Nha Trang không khói thuốc lá đòi hỏi sự chung tay của nhiều cấp, ngành và trách nhiệm của từng người dân, đặc biệt là giới trẻ.


T.L