10:12, 01/12/2015

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam

Ngày 19-11, Sở Y tế ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 19-11, Sở Y tế ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.


Theo kế hoạch, thời gian triển khai Tháng hành động từ ngày 10-11 đến ngày 10-12-2015 với nhiều hoạt động hưởng ứng tại tuyến tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các tuyến xã, phường, thị trấn. Cụ thể, tổ chức mít tinh, tăng cường các hoạt động chuyên môn khám, tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện; khám sức khỏe định kỳ, tư vấn chăm sóc điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS; thăm hỏi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình người nhiễm HIV/AIDS; động viên người nhiễm và tạo điều kiện để người nhiễm hòa nhập cộng đồng; tập huấn nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền để cộng đồng thấy lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và phụ nữ có thai nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao, lợi ích của việc điều trị nghiện thay thế bằng Methadone; vận động người dân tham gia phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng khu dân cư”; lồng ghép các hoạt động truyền thông để xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.


Chủ đề ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2015 là “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Các mục tiêu 90-90-90 (bao gồm: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác) là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030, vì: Một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình lây nhiễm HIV cho người thân và người khác trong cộng đồng. Hơn nữa họ không biết để tiếp cận và nhận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS. Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Việc điều trị sớm và đúng sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.


Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, từ đó có thể đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.


Năm 2014, Việt Nam đã cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra. Theo báo cáo từ các địa phương, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc. Điều này đòi hỏi cần có sự cam kết và nỗ lực lớn hơn, mạnh mẽ hơn của người lãnh đạo, người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Thực hiện được những mục tiêu này không chỉ là bảo vệ sức khỏe tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia.


BS Tôn Thất Toàn
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)