06:12, 01/12/2015

Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Còn nhiều thách thức

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn còn gặp nhiều thách thức.


Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, năm 2004, cùng với sự ra đời của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh cũng được đẩy mạnh. Những năm qua, trung tâm đã triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp giảm tác hại và dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV như: tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức; cung cấp vật dụng can thiệp giảm tác hại cho nhóm có hành vi nguy cơ và nguy cơ cao tại cộng đồng... Nhờ đó, tỉnh Khánh Hòa đã ra khỏi danh sách những tỉnh có số người nhiễm HIV/AIDS cao trong cả nước. Đặc biệt, từ năm 2011, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã đạt được 3 giảm (giảm nhiễm mới HIV, giảm các trường hợp chuyển sang AIDS và giảm tử vong do AIDS).

 

Điều trị bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS
Điều trị bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS


Theo bác sĩ Tin, tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh giảm chưa bền vững và còn nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất hiện nay là hình thái dịch HIV lây truyền qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng. Điều này thể hiện rõ khi tỷ lệ nhiễm mới ở phụ nữ đang gia tăng, nhất là nhóm phụ nữ mang thai, gái mại dâm. Theo thống kê, nếu năm 2007, tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 25% so với nam giới, thì từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ này tăng hơn 35%. Tương tự, năm 2007, có khoảng 1/100 gái mại dâm nhiễm HIV/AIDS thì đến nay con số này tăng lên gấp đôi. “Việc kiểm soát lây truyền HIV trong nhóm mại dâm khó khăn hơn và tốc độ lây truyền cũng nhanh hơn so với nhóm đối tượng nghiện chích ma túy. Điều này làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh thời gian tới sẽ khó khăn hơn” - bác sĩ Tin nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, tỷ lệ người nhiễm HIV mới trong nhóm tuổi từ 30 đến 39 ngày càng gia tăng. Nếu năm 2007, số người nhiễm HIV/AIDS ở nhóm tuổi này chiếm khoảng 27% thì đến năm 2010 đã tăng lên khoảng 32%, năm 2012 tăng lên 43,6% và hiện nay vẫn đang có xu hướng tăng. Ngoài ra, chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây truyền HIV đã được triển khai khá sớm với hàng trăm ngàn bơm kim tiêm và bao cao su được cấp phát hàng năm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, độ bao phủ của chương trình chưa cao.

 

Đến nay, trong số hơn 760 người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn tỉnh, có gần 580 người được điều trị thuốc kháng ARV, đạt gần 76%. Hàng năm, có khoảng 16.000 lượt phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm HIV, 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV (được quản lý) được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Có 135 bệnh nhân đang tham gia điều trị các chất gây nghiện dạng thuốc phiện bằng Methadone...

Mặt khác, hiện nay, các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tập trung chủ yếu tại TP. Nha Trang và một số ít huyện, thị xã nên nhiều người chưa tiếp cận được với dịch vụ này. Diễn biến dịch HIV/AIDS ngày càng phức tạp nhưng nguồn kinh phí cho công tác này đang bị thu hẹp. Đây cũng là những thách thức không nhỏ đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.   


Để hướng tới mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút; 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp) của Liên hợp quốc vào năm 2020, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc tăng cường các hoạt động xét nghiệm HIV, áp dụng các tiêu chí mới trong điều trị HIV/AIDS; triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Mục tiêu là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, từ đó hướng tới tầm nhìn “3 không” (không còn người nhiễm HIV mới, không còn người tử vong do AIDS và không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS) vào năm 2030.


T.L