07:09, 02/09/2015

Cần tăng cường nguồn lực để tránh quá tải

Khánh Hòa là 1 trong 8 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình từ năm 2013. Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, hộ gia đình; sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh, cấp cứu, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, tư vấn về sức khỏe...

Khánh Hòa là 1 trong 8 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) từ năm 2013. BSGĐ có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, hộ gia đình; sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh, cấp cứu, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, tư vấn về sức khỏe...


Nỗ lực “đi trước một bước”


Trước khi thực hiện thí điểm mô hình BSGĐ vào năm 2013, Khánh Hòa đã sớm chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Ngay từ năm 2006, Sở Y tế đã triển khai Dự án “Cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tuyến y tế cơ sở thông qua đào tạo BSGĐ” do Tổ chức AP và Phân khoa Cải thiện sức khỏe quốc tế Trường Đại học Maine của Hoa Kỳ tài trợ. Dự án này đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế ở các trạm y tế xã, phường. Đồng thời đào tạo BS chuyên khoa y học gia đình và xây dựng Trung tâm đào tạo BSGĐ tại Khánh Hòa (nằm trong Bệnh viện - BV - Đa khoa khu vực Ninh Hòa). Từ năm 2006 đến nay, trung tâm đã đào tạo 56 BS chuyên khoa y học gia đình cho các tuyến y tế xã, huyện. Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa cũng tham gia đào tạo điều dưỡng viên y học gia đình. Đây được xem là nỗ lực “đi trước một bước” của Khánh Hòa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình BSGĐ.


Năm 2013 đến nay, Khánh Hòa thực hiện thí điểm mô hình BSGĐ ở 6 cơ sở y tế. Hai phòng khám BSGĐ trong các BV đa khoa khu vực Ninh Hòa và Ninh Diêm là nơi tiếp nhận bệnh nhân chuyển đến từ mạng lưới BSGĐ ở các trạm y tế, thông qua phiếu chuyển tuyến được xây dựng trên cơ sở phiếu chuyển viện đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Bốn cơ sở còn lại thực hiện mô hình BSGĐ là các trạm y tế: Ninh Lộc, Ninh Tân, Ninh Hưng, Ninh Thọ (thuộc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa).


Theo đánh giá, mô hình BSGĐ bước đầu đã đáp ứng khá tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, điều trị toàn diện, liên tục cho bệnh nhân, góp phần giảm tải cho BV tuyến trên. Cụ thể, mô hình BSGĐ đã thực hiện hơn 500 ca phục hồi chức năng; theo dõi, điều trị và phục hồi cho 60 người; phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và tư vấn cho hơn 9.900 người; cấp cứu 773 ca; khám bệnh tại phòng cho gần 77.500 lượt người; chuyển tuyến trên 4.000 ca; khám bệnh tại nhà gần 2.600 ca. Bên cạnh đó, mô hình còn kết hợp làm công tác tiêm chủng cho trẻ em, phụ nữ có thai, tiêm phòng...


Thời gian tới, Khánh Hòa tiếp tục nhân rộng mô hình đến BV Đa khoa khu vực Cam Ranh và trung tâm y tế các huyện, thị xã. Để tạo bước đột phá cho mô hình này, Sở Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về sử dụng bệnh án điện tử, nhằm từng bước triển khai sử dụng bệnh án này trong tất cả các trường hợp chuyển tuyến, đảm bảo thống nhất số liệu quản lý bệnh nhân, theo dõi được quá trình điều trị và phản hồi thông tin điều trị giữa các tuyến y tế. Được biết, cuối năm nay, Sở Y tế sẽ đưa bệnh án điện tử vào ứng dụng tại các trạm y tế xã, phường có điều kiện về nhân lực, máy vi tính, đường truyền Internet...


Trạm y tế có nguy cơ quá tải


Theo đánh giá của Sở Y tế, việc thực hiện mô hình BSGĐ ở Khánh Hòa bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhưng chưa đồng đều. Đơn cử, mô hình BSGĐ tại Trạm Y tế Ninh Hưng đã tổ chức khám tại nhà cho 2.500 ca, trong khi 5 cơ sở còn lại thực hiện chưa đến 600 ca. Các phòng khám BSGĐ Ninh Hòa, Ninh Diêm và Trạm Y tế Ninh Tân chưa có hồ sơ quản lý sức khỏe; các cơ sở còn lại mới chỉ quản lý sức khỏe được hơn 500 người.


Nguyên nhân là do mô hình BSGĐ được thực hiện lồng ghép, tức là BSGĐ không những phải làm nhiệm vụ chuyên môn mà còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác, trong khi mỗi cơ sở chỉ có 1 BS. Trạm Y tế Ninh Hưng hiện có 6 cán bộ y tế, trong đó có 1 BS và 2 điều dưỡng viên, còn lại là nhân viên. Kể từ khi thực hiện thí điểm mô hình BSGĐ, các cán bộ y tế của trạm đã cấp cứu 180 ca, khám bệnh hơn 28.680 ca, chuyển tuyến 1.738 ca, khám tại nhà 2.500 ca, làm thủ thuật và xét nghiệm 340 ca. Theo BS Võ Quang Yên, Trưởng trạm Y tế Ninh Hưng, từ khi thực hiện mô hình này công việc tăng lên rất nhiều, BS đã phải đi khám bệnh ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, còn phải làm hồ sơ, báo cáo, văn bản, họp hành... nên quá tải. Mặt khác, công việc tăng lên nhưng không có chế độ đãi ngộ và kinh phí cho mô hình BSGĐ hoạt động.


Theo lãnh đạo Sở Y tế, việc phản hồi thông tin của phòng khám BSGĐ tuyến trên về tuyến cơ sở để cập nhật thông tin điều trị bệnh nhân còn chậm và thiếu liên tục, do BS tuyến trên cũng kiêm nhiệm việc BSGĐ. Khi bệnh nhân được chuyển lên tuyến tỉnh thì BSGĐ tại tuyến huyện, xã không còn nhận được thông tin phản hồi, như vậy sẽ không có sự hỗ trợ liên tục để học tập kinh nghiệm, nâng cao và cải thiện kỹ năng chẩn đoán, điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Bệnh nhân chuyển tuyến từ huyện về xã để tiếp tục điều trị thì một số loại thuốc điều trị lại không được sử dụng tại tuyến này.


Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế cần có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của BSGĐ làm việc tại trạm y tế xã, phường và trong BV; ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe chung cho mô hình này; hỗ trợ kinh phí, đào tạo cập nhật kiến thức y khoa, tăng cường tuyên truyền để nhân dân biết và sử dụng dịch vụ BSGĐ.


Nguyên Lý