09:09, 20/09/2015

Sen làm thuốc

Theo Đông y, sen còn là một cây thuốc quý, bởi tất cả các bộ phận của cây đều có thể làm thuốc.
 

Đối với người Ấn Độ, sen là một loài hoa thiêng liêng tôn quý. Đối với người Việt Nam, sen là loài hoa đẹp nhất, không chỉ vì sắc màu tươi đẹp “nhụy vàng bông trắng lá xanh”, mà chính bởi phẩm hương cao quý “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
 
Theo Đông y, sen còn là một cây thuốc quý, bởi tất cả các bộ phận của cây đều có thể làm thuốc.
 

 

 
 
- Hạt sen (Liên tử, Liên nhục): Là phần thịt màu trắng bên trong vỏ cứng của quả sen, sau khi đã bỏ cả chồi mầm; có vị ngọt, tính bình; tác dụng bổ tỳ chỉ tả, ích thận sáp tinh, dưỡng tâm an thần, chủ trị ỉa chảy lâu ngày do tỳ hư, di tinh, bạch đới, hồi hộp, mất ngủ. Theo khoa học hiện đại,  hạt sen rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều tinh bột (60%), đường raffinose, 16% chất đạm, 2% chất béo và có một số chất khác như canxi 0,089%, phosphor 0,285%, sắt 0,0064%, và các chất lotusine, demethyl coclaurine, liensinine, isoliensinine.
 
- Tim sen (Liên tử tâm): Là mầm xanh ở chính giữa hạt sen, vị rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh tâm, an thần nhẹ. Tim sen có 5 alcaloid, tỷ lệ toàn phần là 0,89% - 1,06%, như liensinine, isoliensinine, neferine; lotusine, motylcon, paline; còn có nuciferin, bisclaurin (alcaloid) và betus (base hữu cơ).
 
- Gương sen (Liên phòng): Là đế của hoa đã lấy hết quả, phơi khô, có vị đắng chát, tính ấm, tác dụng tiêu ứ, cầm máu. Gương sen có 4,9% chất đạm, 0,6% chất béo, 9% carbohydrat và một lượng nhỏ vitamin C 0,017%.
 
- Tua nhị sen (Liên tu): Là chỉ nhị của hoa sen đã bỏ gạo sen, vị ngọt chát (có tanin), tính bình; có tác dụng sáp tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết.
 
- Lá sen (Hà diệp):  Vị đắng chát, tính mát; có tác dụng hạ huyết áp, an thần, thanh thử, lợi thấp, tán ứ, chỉ huyết. Lá sen có tỷ lệ alcaloid toàn phần là 0,21 - 0,51%, có tới 15 alcaloid, trong đó chất chính là nuciferin 0,15%; còn roemerin coclaurin, dl-armepavin, O-nornuciferin liriodnin, anonain, pronuciferin, còn các acid hữu cơ, tan vitamin C.
 
- Ngó sen (Ngẫu, Ngẫu tiết là mấu ngó sen): Là thân rễ hình trụ, có vị ngọt, tính lạnh, tác dụng cầm máu, tráng dương, an thần. Ngó sen chứa 70% tinh bột, 8% asparagin, arginin, trigonellin, tyrosinglucose, vitamin C, A, B, PP, tinh bột và một ít tanin.
 
Dưới đây là một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian Trung Quốc (“Dân gian bách thảo lương phương”, NXB KH-KT Phúc Kiến, 2010).
 
1. Phổi nóng ho ra máu: Ngó sen tươi 60g, rễ tranh tươi 30g. Sắc uống.
 
2. Trúng nắng, vật vã khó chịu: Tim sen 15g, đường kính 20g. Hãm nước uống thay trà. Có thể  dùng lá sen tươi (cả cọng) 60g sắc uống.
 
3. Ỉa chảy do tỳ hư: Hạt sen 50g, hạt bo bo 15g, táo đỏ 10g, đậu ván 15g. Sắc uống.
 
4. Trẻ em đái dầm: Hạt sen tươi 60g, củ mài 15g. cật heo 1 đôi mổ ra nạo sạch niệu quản, rửa sạch, cắt nhỏ, cho hạt sen và củ mài nấu chín rục, thêm gia vị chia ăn vài lần trong ngày.
 
5. Chảy máu cam: Gương sen 30g, rễ tranh 30g. Sắc uống.
 
6. Thai động không yên: Núm cuống lá sen 5 cái, lá ngải cứu 6g, cành tía tô 6g. Sắc uống.
 
7. Bứt rứt vùng ngực, tuyến sữa không thông: Cọng lá sen 60g. Sắc uống.
 
8. Đau do co rút tử cung sau sinh: Cọng sen khô 8-12 cái, sắc nhỏ lửa, uống ấm trước khi ngủ, ngày 1 lần, uống liền 2 ngày.
 
9. Viêm dạ dày mạn tính: Ngó sen 20g, khiếm thiệt 20g. Sắc uống.
 
10. Nôn ra máu: Ngó sen tươi 90g, rễ tranh tươi 100g, dưa leo 100g. Rửa sạch, cắt nhỏ, xay nhuyễn, ép lấy nước chia 2 lần uống.
 
11. Khạc ra máu: Ngó sen 30g, râu bắp 60g, mật ong 20g. Sắc 2 vị thuốc, bỏ bã, lấy nước hòa mật ong uống. Cũng có thể lấy cánh hoa sen 5g, sắc uống.
 
12. Có thai đau lưng, dễ sẩy thai: Hạt sen 60g, gạo ngon 30g. Nấu cháo ăn.
 
13. Ỉa chảy lâu ngày không cầm: Hạt sen già (bỏ tim) 60g. Tán bột mịn, mỗi lần uống 3g với nước nấu gạo lâu năm, ngày uống 3 lần.
 
14. Chứng mỡ máu cao: Lá sen 30g, gạo ngon 30-50g.  Nấu lá sen, bỏ bã, lấy nước cho gạo vào nấu cháo nhuyễn, ăn thường ngày.
 
15. Chứng mỡ máu cao, xơ vữa động mạch: Sơn tra 20g, lá sen 6g, vỏ quýt lâu năm 5g, rễ lau 20g. Mỗi sáng cho thuốc hãm nước sôi trong ấm sành, uống thay nước trà. Mỗi ngày 1 thang, uống liền 30 ngày là một liệu trình. Nghỉ 5 ngày, uống tiếp liệu trình thứ 2.
 
16. Đau đầu như bưng, do thấp nhiệt ngăn trở bên trong: Núm lá sen tươi 5-7 cái, gừng sống 3-5 lát, trà lâu năm 3g, rượu 30ml. Sắc đặc 3 vị thuốc, bỏ bã, hòa rượu, phân 2 lần, uống ấm lúc sáng và tối, uống xong đắp chăn nằm cho ra mồ hôi.
 
17. Di mộng tinh: Lá sen 30g, tán bột, mỗi lần uống 3g với nước cơm sôi, ngày 2 lần (sáng và tối).
 
18. Chảy máu do rối loạn chức năng tử cung: Gương sen, hoa kinh giới, 2 vị lượng bằng nhau, đem sao đen tồn tính, tán bột, mỗi lần uống 10g với nước cơm sôi.
 
Theo Báo Đà Nẵng