Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên bất kì ai cũng có thể phòng tránh việc nhiễm bệnh.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên bất kì ai cũng có thể phòng tránh việc nhiễm bệnh.
Khoảng 30.000 ca mắc mới và 18 người tử vong vì sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay. Hiện tại, bệnh xuất hiện ở 59 tỉnh, thành và bùng phát thành dịch ở 39 tỉnh trên cả nước, trong đó, TP HCM có số bệnh nhân nhiều nhất là 7.900 người. Các thành phố lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội,… cũng là những nơi có nhiều ổ dịch sốt xuất huyết. Dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát cao. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo phòng, chống dịch, Bộ Y tế liên tục đưa ra khuyến cáo để người dân nhận thức rõ tình trạng. Người dân cần chủ động trong công tác phòng dịch là việc vô cùng quan trọng để bảo vệ bản thân và gia đình.
Đặc điểm của sốt xuất huyết
Theo ThS.BS Nội trú Nguyễn Quốc Thái, sốt xuất huyết là bệnh gây ra do vi-rút với vật trung gian là muỗi, chủ yếu là muỗi vằn. Bệnh có thể ủ trong khoảng 1 tuần, khi muỗi hút máu người, vi-rút sẽ được truyền thẳng vào cơ thể và gây bệnh. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Vietnamnet) |
Đến nay chưa có công trình khoa học hay trường hợp nào ghi nhận việc lây truyền bệnh từ người sang người. Do đó, bệnh có thể phòng tránh bằng cách ngăn chặn sự phát triển của muỗi cũng như việc bị muỗi đốt. Đặc biệt là ở những nơi dễ mắc bệnh như bệnh viện, nhà ở, trường học,…
Phòng tránh tại bệnh viện
Trong mùa dịch, bệnh viện cũng là nơi dễ lây nhiễm sốt xuất huyết, nhất là những nơi không đủ đảm bảo cơ sở vật chất, phun thuốc thường xuyên. Người bệnh chủ quan là bệnh viện an toàn, không mắc màn nên khả năng mắc bệnh càng cao. Đặc biệt, do vào mùa dịch, nhiều bệnh nhân nhập viện, việc khám chữa cũng gặp khó khăn, người nhà không có chỗ ngủ cũng dễ bị muỗi tấn công.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết bằng cách đốt người bệnh rồi đốt người lành nên các trường học bán trú có thể là khiến bệnh này lây lan dễ hơn (Ảnh minh họa: Internet) |
Để phòng tránh mắc sốt xuất huyết ở bệnh viện, mọi người nên chuẩn bị sẵn màn khi ngủ, không nằm ở những nơi nhiều muỗi như hành lang, nơi ẩm thấp. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng quá tải của bệnh viện trung ương, mọi người nên khám ở tuyến cơ sở nếu tình trạng bệnh không nguy kịch.
Phòng tránh tại trường học
Trường học là nơi tập trung nhiều học sinh, các em còn nhỏ nên chưa ý thức được việc phòng bệnh. Do đó, nhà trường cần dành thời gian để bồi dưỡng kiến thức phòng bệnh cho các em. Học sinh cần rửa tay sạch sẽ, tránh vui chơi ở những nơi nhiều muỗi như bãi rác, nơi ẩm thấp,… Ngăn chặn việc bị muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài, sử dụng các biện pháp diệt muỗi an toàn với trẻ nhỏ.
Trong mùa dịch, nhà trường cần tiến hành phun thuốc muỗi khi học sinh tan học hết, tiến hành phát quang bụi rậm, dọn dẹp sạch sẽ khu vệ sinh chung, những nơi nước đọng,… để loại bỏ môi trường sinh sống của muỗi. Với các học sinh bán trú, chỗ ngủ phải có màn. Việc này vô cùng quan trọng, nhất là nơi có ổ dịch.
Phòng tránh tại nhà
Phun - tẩm hóa chất chăn màn và khu vực sinh sống để đảm bảo muỗi không lại gần (Ảnh minh họa: Internet) |
Nhà lại là nơi dễ mắc bệnh sốt xuất huyết hơn cả, đặc biệt với những gia đình gần ao hồ, nơi ẩm thấp. Trong mùa dịch, các gia đình nên tiến hành phát quang bụi rậm trước nhà, tránh để các vật chứa nước tồn đọng, các chum,bể đựng nước phải có nắp đậy kín, nếu phát hiện có bọ gậy phải dùng thuốc loại bỏ, đun sôi khi sử dụng. Tiến hành phun thuốc khi gia đình không có người, luôn ngủ trong màn.
ThS.BS Nội trú Nguyễn Quốc Thái cho biết cho biết, khi biểu hiện của sốt xuất huyết ở mức nhẹ có thể điều trị ở nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, người thân phải theo dõi sát sao. Khi có dấu hiệu sốt kèm theo đau bụng phần phía trên phần vùng gan, dấu hiệu nôn mửa nhiều, tiểu ít, rỉ máu chân răng, khó thở, tụt huyết áp,… thì tuyệt đối không điều trị ở nhà mà phải nhanh chóng đưa đi bệnh viện để khám và điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc.
Cuối cùng, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết. Người bệnh nên kiêng mỡ, các loại gia vị cay chua, tăng cường rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước,… để cơ thể có sức đề kháng tốt. Hiện tại, ở Việt Nam vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết được nghiên cứu và đang trong quá trình hoàn thiện, khi có vắc-xin, mọi người nên tiến hành tiêm 3 mũi để giảm 56% khả năng nhiễm bệnh trong 13 tháng.
Theo Sức khỏe & Đời sống