05:09, 07/09/2015

Mổ lấy thai: Vẫn có biến chứng cho mẹ và trẻ

Hiện nay, việc mổ lấy thai đang có xu hướng gia tăng. Phương pháp này giúp sản phụ tránh những cơn đau khi sinh, nhưng trong mổ và sau mổ vẫn có thể xảy ra nhiều biến chứng gây tử vong cho mẹ và trẻ.

Hiện nay, việc mổ lấy thai đang có xu hướng gia tăng. Phương pháp này giúp sản phụ tránh những cơn đau khi sinh, nhưng trong mổ và sau mổ vẫn có thể xảy ra nhiều biến chứng gây tử vong cho mẹ và trẻ.


Cấp cứu kịp thời những tai biến


Giữa tháng 8, Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị M. được một BV tuyến huyện chuyển đến trong tình trạng sốt cao, đau dữ dội vùng bụng. Sản phụ M. được chẩn đoán bị nhiễm trùng nặng thành bụng từ ngoài vào trong, tụ nhiều mủ tại vết mổ lấy thai. Ê-kíp bác sĩ Khoa Sản của BVĐK tỉnh tiến hành phẫu thuật cấp cứu, cắt lọc, loại bỏ những mô bị bưng mủ, hoại tử và khâu lại vết thương cho sản phụ. Qua 3 tuần điều trị, sức khỏe của sản phụ mới hồi phục hoàn toàn. Người nhà của sản phụ M. cho biết, vì là đứa cháu đầu nên mặc dù chưa có dấu hiệu chuyển dạ, gia đình chị M. vẫn nhất quyết yêu cầu bác sĩ cho chị sinh mổ với lý do chị đã lớn tuổi, sợ sinh khó. Ca sinh mổ diễn ra bình thường. Tuy nhiên sau đó vài ngày, chị M. có các dấu hiệu như trên.

 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện mổ lấy thai
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện mổ lấy thai


Vừa qua, Khoa Sản của BVĐK tỉnh cũng tiếp nhận sản phụ do BV tuyến huyện chuyển đến với triệu chứng da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, huyết áp tụt. Sau khi khám, sản phụ được chẩn đoán bị chảy máu trong bụng. Ê-kíp bác sĩ của BVĐK tỉnh đã tiến hành truyền máu, hồi sức tích cực và thực hiện phẫu thuật lại vết mổ cho sản phụ.


Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp tai biến trong mổ lấy thai mà BVĐK tỉnh tiếp nhận, xử lý cấp cứu kịp thời.  


Không hoàn toàn an toàn


Bác sĩ Phạm Hoàng Phong - Phó Trưởng khoa Sản BVĐK tỉnh cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ mổ lấy thai ở Khánh Hòa cũng như cả nước tăng cao. Riêng tại BVĐK tỉnh, trong năm 2013, tỷ lệ này khoảng 30%, năm 2014 tăng lên hơn 40%. Trong đó, ngoài những ca mổ lấy thai được chỉ định vì y khoa, có nhiều ca do đề xuất của gia đình, sản phụ vì muốn trẻ sinh ra vào ngày giờ tốt, sợ đau khi sinh và nhiều yếu tố khác.


Mổ lấy thai là một phẫu thuật thông thường, hay gặp trong sản khoa. Lợi ích của mổ lấy thai là giảm sự đau đớn cho sản phụ khi lên cơn đau đẻ; chủ động được thời điểm để con chào đời theo ý muốn và giảm được nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con trong các trường hợp bất khả kháng (thai nhi quá to, sức khỏe sản phụ quá yếu, suy thai, thai bị nhau tiền đạo, dây rốn bị thắt nút, quấn cổ nhiều vòng...). Tuy nhiên, mổ lấy thai không hoàn toàn an toàn như nhiều sản phụ lầm tưởng. Trên thực tế, tỷ lệ tử vong mẹ và con trong vòng một tháng sau sinh ở các trường hợp mổ lấy thai cao hơn so với các trường hợp sinh thường. Mổ lấy thai còn có nhiều biến chứng, rủi ro cho con và mẹ trong quá trình mổ, sau mổ và những lần mang thai sau...


Đối với thai nhi, khi mổ lấy thai, sản phụ phải dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng, nên thường đến 7 ngày sau mẹ mới có sữa. Do đó, em bé không được bú nguồn sữa non như trẻ sinh thường nên dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Sản phụ sinh mổ cũng ít sữa hơn sinh thường nên em bé dễ bị suy dinh dưỡng. Hơn nữa, trẻ được ra đời theo cách tự nhiên, những cơn co tử cung của sản phụ giúp kích thích hệ hô hấp của thai nhi, trong khi đó trẻ sinh mổ không được hưởng cơ chế này. Ngoài ra, trẻ sinh mổ dễ bị hít phải nước ối, dẫn đến bị ngạt thở, bệnh về đường hô hấp hoặc tình trạng bị thở khò khè trong nhiều tháng sau sinh...


Về phía sản phụ, những tai biến gần trong mổ lấy thai có thể xảy ra như: nhiễm trùng vết mổ, tiết niệu, phổi. Trong quá trình phẫu thuật, có thể có tai biến do chạm phải các cơ quan lân cận (bàng quang, ruột, ống tiết niệu), khâu phải niệu quản, rò bàng quang - tử cung, rò bàng quang - âm đạo. Ngoài ra, sản phụ có thể bị bung vết mổ, thoát vị thành bụng sau khi mổ; xuất huyết nội, thuyên tắc tĩnh mạch, huyết khối khi mổ; các tai biến do gây mê - hồi sức gây ra. Nếu ca mổ thành công, sản phụ vẫn có thể bị những tai biến về sau như: dính ruột, tắc ruột, tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát; ở lần mang thai sau có khả năng sẽ phải mổ lại cao; có nguy cơ bị vỡ tử cung...


Theo bác sĩ Phong: “Mổ lấy thai không phải là phương pháp an toàn tuyệt đối, nó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và con. Vì thế, các sản phụ nên sinh theo tự nhiên, chỉ nên mổ lấy thai khi có chỉ định của bác sĩ”.


T.L