Với gần 2.120 ca mắc, Khánh Hòa đang đứng đầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên về số ca mắc sốt xuất huyết . Tuy ngành Y tế đã khống chế dịch ở một số nơi nhưng theo dự đoán, diễn biến của dịch SXH từ nay đến cuối năm vẫn còn phức tạp.
Với gần 2.120 ca mắc, Khánh Hòa đang đứng đầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên về số ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Tuy ngành Y tế đã khống chế dịch ở một số nơi nhưng theo dự đoán, diễn biến của dịch SXH từ nay đến cuối năm vẫn còn phức tạp.
Số ca mắc tăng cao
Cuối tuần, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh có khoảng 90 bệnh nhân (BN) thì có đến 90% là BN mắc SXH. Trong đó, có nhiều ca nặng đã được điều trị ổn định. Bác sĩ Nguyễn Đông - Trưởng khoa Nhiễm cho biết: “Số ca mắc SXH nhập viện điều trị bắt đầu tăng cao từ tháng 6. Đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị khoảng 900 ca, tăng gấp 3 lần so với năm 2014. Riêng tháng 9 đã tiếp nhận 200 ca mới. Những năm gần đây, người dân cũng đã có ý thức nên khi bệnh mới khởi phát họ đã nhập viện để được điều trị sớm. Vì thế, năm nay số BN nặng không nhiều, chỉ khoảng 20 ca. Tiền sử của những ca nặng này hầu hết đều đã điều trị ở các cơ sở tư nhân và được truyền nhiều dịch. Điều này rất nguy hiểm, bởi việc truyền dịch quá nhiều có thể làm cho BN dễ tử vong khi diễn biến bệnh xấu đi”. Tương tự, tại các BVĐK Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, số lượng BN mắc SXH nhập viện điều trị cũng khá đông, chiếm hơn 1/2.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Dịch SXH trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng từ giữa tháng 5 và diễn biến phức tạp đến nay. Đặc biệt là giữa tháng 9, toàn tỉnh ghi nhận 165 ca mắc mới (cao nhất kể từ đầu năm 2015) và số ca mắc tăng cao ở các huyện, thị xã, thành phố, tập trung nhiều ở TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa. Huyện Vạn Ninh là đơn vị có số ca mắc SXH không cao nhưng lại là địa phương có nhiều ca bệnh nặng.
Diễn biến dịch vẫn phức tạp
Ngay khi dịch SXH có dấu hiệu gia tăng, đầu tháng 5, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương, tập trung vào những địa phương có số ca mắc cao; triển khai các biện pháp xử lý dịch; hỗ trợ phun hóa chất, đẩy mạnh tuyên truyền; ra quân diệt bọ gậy... Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp trên, dịch SXH đã được khống chế ở một số nơi.
Tuy nhiên, theo dự báo của ngành Y tế, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết thay đổi thất thường, còn do sự lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm hướng dẫn giữ vệ sinh môi trường, chủ động diệt muỗi, bọ gậy tại hộ gia đình. Ngoài ra, do tình trạng thiếu nước ở một số địa phương dẫn đến việc người dân có thói quen trữ nước lâu ngày trong nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển.
Bà Nguyễn Thị Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh cho biết: “Xã đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong đó, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng. Bà con trong xã đều biết bệnh SXH là nguy hiểm, biết phương thức diệt bọ gậy tại nhà nhưng họ ít chịu thực hiện. Vì thế, năm nào xã Vạn Long cũng là địa phương có số ca mắc SXH cao của huyện”.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 2.120 ca mắc SXH với 123 ổ dịch, có 1 ca tử vong. Trong đó, 3 địa phương có số ca mắc cao là TP. Nha Trang gần 600 ca, huyện Diên Khánh hơn 430 ca, thị xã Ninh Hòa hơn 270 ca. |
Hiện nay, nhiều đơn vị đã sử dụng hết kinh phí phòng, chống SXH từ nguồn Trung ương và địa phương. Riêng TP. Nha Trang đã tạm ứng kinh phí xử lý dịch đến 84 triệu đồng, kinh phí còn lại không đủ triển khai các hoạt động xử lý dịch từ nay đến cuối năm. Kinh phí cho hoạt động truyền thông phòng, chống dịch còn hạn chế. Ngoài ra, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác này. Các ban ngành, đoàn thể chưa phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh...
Mới đây, trong buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH của lãnh đạo UBND tỉnh với huyện Vạn Ninh, bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cảnh báo, với số ca mắc mới gần 200 ca/tuần như hiện nay, từ nay đến cuối năm mỗi tháng toàn tỉnh sẽ có khoảng 1.000 ca mắc mới. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang lưu hành 3 tuýp huyết thanh SXH D1, D2, D3, trong đó tuýp D2 rất dễ gây tử vong cho BN nếu không được phát hiện và điều trị sớm. “Vì thế, để khống chế được dịch SXH, ngành Y tế không đủ lực để thực hiện, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó, người dân đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi người dân cần có ý thức, chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp diệt bọ gậy trong nhà và xung quanh vườn, có như vậy dịch bệnh SXH mới giảm và nhanh chóng được khống chế” - bác sĩ Mai nói.
T.L