11:08, 23/08/2015

Tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng, chống bệnh bạch hầu

Đầu thế kỷ XX và trong chiến tranh thế giới thứ II, bệnh bạch hầu là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 4 đến 10 tuổi ở châu Âu và nhiều quốc gia. Từ khi có vắc xin phòng bệnh và thực hiện tốt công tác tiêm chủng, các trường hợp mắc bệnh bạch hầu giảm gần 93%.

Đầu thế kỷ XX và trong chiến tranh thế giới thứ II, bệnh bạch hầu là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 4 đến 10 tuổi ở châu Âu và nhiều quốc gia. Từ khi có vắc xin phòng bệnh và thực hiện tốt công tác tiêm chủng, các trường hợp mắc bệnh bạch hầu giảm gần 93%.


Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2001, toàn quốc ghi nhận 181 trường hợp bệnh bạch hầu. Nhờ sự cải thiện mức độ bao phủ của công tác tiêm chủng nên đến năm 2011, bệnh bạch hầu đã giảm chỉ còn 13 trường hợp. Hiện nay, tại một số vùng sâu, vùng xa, những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã xuất hiện vài trường hợp mắc bệnh. Trước tình trạng trên, tháng 7-2015, Cục Y tế dự phòng đã có công điện đề nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên phạm vi toàn quốc.

 

Thực hiện tiêm chủng tại Trung tâm Y tế TP. Cam Ranh
Thực hiện tiêm chủng tại Trung tâm Y tế TP. Cam Ranh


Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do nội độc tố của vi khuẩn Corynebacterium diphatheriae gây nên. Vi khuẩn sản sinh ra độc tố gây viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh và các dấu hiệu nhiễm độc toàn thân khác. Tại chỗ nhiễm khuẩn thường có lớp màng giả đặc trưng. Giả mạc bệnh bạch hầu thường khó bóc tách, khác với các giả mạc thông thường (dễ bóc tách).


Ổ dịch của bệnh bạch hầu chính là người. Vi khuẩn lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người mắc bệnh bạch hầu hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Thời gian ủ bệnh của bạch hầu hô hấp từ 2 đến 5 ngày. Các triệu chứng của bệnh thay đổi tùy theo vị trí, mức độ nhiễm khuẩn tại chỗ, tuổi của người bệnh. Sau vài ngày mắc bệnh, đau họng là triệu chứng thường gặp nhất, ở trẻ em hay buồn nôn và nôn. Trong trường hợp điển hình, bệnh thường có sốt, viêm họng, viêm thanh quản, hình thành màng giả, hạch to và phù nề các mô mềm của cổ. Đối với những bệnh nhân không bị nhiễm độc, chỉ có biểu hiện khó chịu, mệt mỏi kèm nhiễm khuẩn tại chỗ; trong khi đó, những bệnh nhân nhiễm độc nặng có biểu hiện lờ đờ, nhợt nhạt, nhịp tim nhanh và có thể tiến triển nhanh chóng thành trụy mạch.

 

Hiện nay, mũi tiêm phòng bệnh bạch hầu là mũi tiêm DPT phòng ngừa 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván. Theo lịch tiêm chủng cho trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, khi trẻ được 2 tháng tuổi sẽ được tiêm mũi DPT lần 1; trẻ 3 tháng tuổi được tiêm mũi DPT lần 2; trẻ 4 tháng tuổi sẽ tiêm mũi DPT lần 3 và khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm mũi DPT lần 4.

Nhiễm khuẩn hô hấp ban đầu khu trú vào vùng amidan - họng, tiếp theo là vùng hầu, mũi và khí phế quản, có thể bị nhiều chỗ cùng lúc. Ở thể bạch hầu amidan - hầu, lúc đầu sẽ tấy đỏ, có đốm xám, dịch tiết trắng, sau đó tổn thương lan ra, hợp với nhau trong ngoài tạo thành các đám giả mạc có bờ rõ ràng. Những giả mạc này trở nên càng dày, gắn chặt vào tổ chức bên dưới, màu thẫm lại. Đối với thể bạch hầu thanh quản, người bệnh thường ho, khàn giọng, qua soi thanh quản sẽ phát hiện các giả mạc. Đối với thể bạch hầu da bệnh thường mãn tính, loét phân định rõ rệt với màng giả màu xám bám chặt. Bệnh thường kết hợp với nhiễm trùng da do tụ cầu và các nhóm liên cầu streptococcus.


Bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu phải được nhập viện điều trị để được chăm sóc và cách ly. Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, biện pháp quan trọng là tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm phòng bệnh bạch hầu. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi tiêm. Đồng thời, cần thực hiện tốt những biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh cá nhân, lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các chất diệt khuẩn thông thường, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Trường hợp đau rát ở cổ họng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như bị viêm amidan cấp, do vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.


Các trường học cần thường xuyên vệ sinh lớp học, thực hiện cách ly kịp thời và thông báo với các đơn vị y tế gần nhất khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.


BS Tôn Thất Toàn
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh)