UBND tỉnh vừa giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh dại ở người trên địa bàn tỉnh năm 2015 - 2016. Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết:
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh dại ở người trên địa bàn tỉnh năm 2015 - 2016. Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết:
- Trước tình hình bệnh dại ở một số tỉnh, thành đang có chiều hướng gia tăng, vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dại ở người trên địa bàn tỉnh năm 2015 - 2016. Mục tiêu của kế hoạch là không để xảy ra trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho động vật gây bệnh đạt hơn 80%; 100% người dân hiểu, biết cách phòng, chống bệnh dại và đến các điểm tiêm phòng dại khi bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn.
- Được biết, theo kế hoạch, ngành Y tế sẽ triển khai rất nhiều hoạt động. Xin bác sĩ cho biết, hoạt động nào sẽ được ưu tiên trước?
- Trước mắt, ngành sẽ phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người, động vật, để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã phường thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó, mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”.
Ngoài ra, tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại và người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện các biện pháp điều trị dự phòng càng sớm càng tốt như: rửa vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, ngành tổ chức điểm tiêm phòng dại thông qua việc duy trì điểm tiêm dịch vụ vắc xin phòng, chống bệnh dại tại các huyện, thị xã, thành phố và phát triển thêm điểm tiêm chủng phòng dại tại huyện Khánh Vĩnh; đảm bảo các điểm tiêm đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, thực hiện chế độ trực ngoài giờ để xử lý kịp thời các trường hợp phơi nhiễm với vi rút dại; tiến hành giám sát người bị phơi nhiễm với vi rút dại hoặc động vật nghi dại đến khám và điều trị dự phòng tại các điểm tiêm.
- Nếu có ổ dịch xảy ra, ngành sẽ tiến hành xử lý như thế nào, thưa bác sĩ?
- Khi xảy ra một trong các tình huống như: có nhiều người ở cùng một địa phương bị động vật cắn đến tiêm phòng dại; có ca nghi bệnh dại trên người được chẩn đoán trên lâm sàng; có trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan thú y cùng cấp thực hiện điều tra tại nơi bệnh nhân bị động vật nghi dại cắn, xác định nguồn lây truyền bệnh dại. Đồng thời, cơ quan chuyên môn tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời theo đúng quy định. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ca bệnh dại nào.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
THẢO LY (Thực hiện)