Khánh Hòa đang triển khai công tác tiêm phòng dịch heo tai xanh cho đàn heo tại các vùng có nguy cơ cao từ nguồn vắc xin sản xuất trong nước.
Khánh Hòa đang triển khai công tác tiêm phòng dịch heo tai xanh cho đàn heo tại các vùng có nguy cơ cao từ nguồn vắc xin sản xuất trong nước.
Triển khai tại vùng có nguy cơ cao
Ông Phan Thúc Hàn - Trưởng trạm Thú y Nha Trang cho biết, trên địa bàn thành phố, hoạt động chăn nuôi đã giảm đáng kể; tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven và ngoại thành. TP. Nha Trang từng là địa phương bùng phát dịch heo tai xanh trong các năm 2010, 2012. Vì thế, việc chủ động tiêm phòng là giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn dịch. Tuần qua, lực lượng làm công tác thú y thành phố đã triển khai tiêm phòng đồng loạt cho đàn heo ở 16/27 xã, phường có nguy cơ cao. Công tác tiêm phòng diễn ra khá thuận lợi. Theo kế hoạch, năm 2015, toàn thành phố sẽ tiêm phòng gần 6.500 liều trên tổng đàn 9.000 con. Kế hoạch tiêm phòng dự kiến kết thúc vào ngày 31-8.
Tiêm phòng dịch heo tai xanh tại TP. Nha Trang |
Huyện Diên Khánh cũng đang triển khai tiêm phòng dịch heo tai xanh tại 3 xã: Suối Hiệp, Suối Tiên và Diên Lộc (3 địa phương đã từng bùng phát dịch những năm trước). Theo ông Lê Xuân Tân - Trưởng trạm Thú y huyện, công tác tiêm phòng tiến hành theo hình thức cuốn chiếu. 9 xã khác nằm trong diện nguy cơ cao cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới. Tổng đàn heo trong diện tiêm phòng của 12/19 xã, thị trấn toàn huyện khoảng 6.100/8.000 con (không tính đàn heo tại các trang trại). Việc triển khai tiêm phòng có nhiều thuận lợi, được người dân hưởng ứng bởi không phải mua vắc xin, ngoài ra ngân sách huyện trích kinh phí hỗ trợ tiền công tiêm.
Sử dụng vắc xin Việt Nam sản xuất
Toàn tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng dịch heo tai xanh tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố (trừ Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) với 75 xã, phường có nguy cơ cao. Dự kiến, tổng lượng vắc xin tiêm hơn 40.000 liều. Chi cục Thú y đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch heo tai xanh, đặt mua vắc xin sản xuất trong nước thay thế vắc xin của Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Lương Thao - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, vắc xin dịch heo tai xanh chủng HANVET 1.VN do Công ty Cổ phần Dược và vật tư thú y (HANVET) sản xuất là vắc xin phòng bệnh dịch heo tai xanh đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu, sử dụng chủng vi rút gây bệnh tại Việt Nam nên tính tương đồng kháng nguyên cao (98%), sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn GMP/WHO. Kết quả thử nghiệm quốc gia đạt hiệu quả cao trên đàn gia súc và được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận lưu hành.
Tổng kinh phí phòng, chống dịch heo tai xanh năm 2015 gần 1,6 tỷ đồng, bao gồm: kinh phí tiêm phòng gần 1,5 tỷ đồng; kinh phí tập huấn, giám sát gần 90 triệu đồng... |
Lãnh đạo Chi cục Thú y cho biết, trong các đợt dịch từ năm 2007 đến 2012, dịch thường xảy ra sau tháng 8 và tái phát tại các ổ dịch cũ, chủ yếu trên đàn heo nuôi quy mô nhỏ lẻ, thường do các hộ nuôi heo nái làm giống để sản xuất heo thịt và sử dụng thức ăn tận dụng. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn thức ăn không bảo đảm, ít quan tâm đến công tác tiêm phòng các bệnh tụ huyết trùng, dịch tả..., đặc biệt các hộ chăn nuôi không tiêm phòng vắc xin dịch heo tai xanh chiếm đến 96%, nên khiến dịch bệnh dễ bùng phát, tỷ lệ heo chết cao...
Vì vậy, năm 2013, 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch heo tai xanh, trong đó có nội dung tiêm phòng đàn heo ở các địa phương có nguy cơ cao vào tháng 8 hàng năm. Đây là giải pháp chính góp phần ngăn chặn dịch heo tai xanh không bùng phát trên địa bàn tỉnh 2 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương phối hợp với ngành thú y triển khai đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch như: vận động, tuyên truyền người dân hiểu tác hại và cùng hợp tác phòng, chống dịch; tổ chức Tháng hành động tiêu độc, khử trùng; thống kê, giám sát đàn gia súc kết hợp tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm cho đàn gia súc... nên đã góp phần ngăn chặn dịch.
P.L