07:06, 23/06/2015

Gia tăng trẻ em thừa cân, béo phì

Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh "Về tình trạng trẻ em dưới  6 tuổi trên địa bàn tỉnh bị thừa cân, béo phì" cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh cao hơn so với bình quân chung của cả nước và đang có xu hướng gia tăng.

Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh “Về tình trạng trẻ em dưới  6 tuổi trên địa bàn tỉnh bị thừa cân, béo phì” cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh cao hơn so với bình quân chung của cả nước và đang có xu hướng gia tăng.

Số lượng trẻ béo phì gia tăng


Tiến sĩ Trương Tấn Minh - Chủ tịch Hội Y tế công cộng tỉnh Khánh Hòa, chủ nhiệm đề tài cho biết: Thừa cân và béo phì được xem như một trạng thái rối loạn dinh dưỡng ngày càng phổ biến, không những ở người trưởng thành mà còn ở trẻ em.

 

(Ảnh minh họa)
Ảnh minh họa


Từ năm 2013 - 2014, Tiến sĩ Minh cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Về tình trạng trẻ em dưới  6 tuổi trên địa bàn tỉnh bị thừa cân, béo phì”. Kết quả nghiên cứu ngẫu nhiên từ 2.077 trẻ ở 137 xã, phường trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ở mức 6,2%, cao so với mức bình quân chung của cả nước. Thống kê theo địa phương cho thấy, TP. Nha Trang có tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì cao nhất với 12,7%, tiếp đến là TP. Cam Ranh 8,1%, Diên Khánh 7,3%, Cam Lâm 6,4%, Khánh Vĩnh và Khánh Sơn có tỷ lệ thấp nhất tỉnh.


Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, con của những bà mẹ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ thừa cân, béo phì cao gấp 1,9 lần so với những bà mẹ có chỉ số cân nặng/chiều cao bình thường. Gia đình khá giả có tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì cao hơn so với những gia đình khác.

Nguy cơ mắc nhiều bệnh


Thạc sĩ Trần Ngọc Thành - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, nguyên nhân căn bản của thừa cân và béo phì là sự mất cân bằng giữa năng lượng vào (thông qua ăn uống) và năng lượng ra (được sử dụng bởi cơ thể). Thừa cân và béo phì ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Những người thừa cân, béo phì dễ mắc các bệnh lý về tim mạch (bệnh mạch vành, đột quỵ...); các bệnh lý liên quan đến đề kháng insulin (đái tháo đường type 2, chuyển hóa lipit...); một số loại ung thư (đại tràng, vú, nội mạc tử cung...) và các bệnh lý đường mật. Những biến chứng khác của bệnh béo phì như dễ bị ngừng thở lúc ngủ do tắc nghẽn, đau nhức xương khớp, bệnh về da. Thừa cân, béo phì làm giảm tuổi thọ từ 3 - 13 năm và có nguy cơ tử vong cao gấp 12 lần so với người bình thường.

 

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại 144 quốc gia cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em dưới 6 tuổi đã tăng từ 4,2% (năm 1990) lên 6,7% (năm 2010) và có xu hướng tăng đến 9,1% vào năm 2020. Tại Việt Nam, kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009 - 2010 trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ thừa cân và béo phì bình quân cả nước là 5,6% (tỷ lệ này ở bé trai cao hơn bé gái với 6,7% và 5,1%).

Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới khẳng định, có 9% người đái tháo đường type 2 có chỉ số thừa cân vượt ngưỡng 25kg. Trong số những người dưới 50 tuổi, nguy cơ bệnh mạch vành tăng 2,4 lần ở phụ nữ béo phì và 2 lần ở nam giới béo phì. Nguy cơ mắc tăng huyết áp ở người béo phì gấp 5 lần so với những người không béo phì. Có 66% trường hợp tăng huyết áp là ở những người béo phì và 85% các trường hợp tăng huyết áp xảy ra ở những người thừa cân. Có 10% các ca tử vong do ung thư ở những người không hút thuốc có liên quan đến béo phì. Do đó, việc phát hiện sớm và ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ là cần thiết nhằm phòng ngừa các hệ lụy về bệnh lý cho trẻ khi còn nhỏ cũng như sự phát triển các bệnh lý khác khi trẻ trưởng thành.


Tiến sĩ Trương Tấn Minh cho biết, để ngăn chặn chứng thừa cân, béo phì ở trẻ cần thay đổi hành vi, thói quen ăn uống và tăng cường hoạt động thể lực. Cho trẻ ăn nhiều hơn vào bữa sáng và giảm vào các bữa ăn tối. Lựa chọn các loại thức ăn ít năng lượng như: cá, đậu hũ, khoai củ, thịt nạc..., tránh các loại thức ăn giàu năng lượng như: chè, bánh kem, nước ngọt. Về mặt thể chất, khuyến khích và tạo thói quen cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao; tập cho trẻ làm các công việc nhà, các hoạt động liên quan đến thể lực, chân tay tối thiểu 1 giờ/ngày. Bên cạnh đó, hạn chế các hoạt động giải trí không có sự vận động như chơi điện tử, xem tivi... Đồng thời, cần có một chương trình truyền thông cho các bà mẹ hiểu rõ nguy cơ không tốt về sức khỏe đối với trẻ bị thừa cân, béo phì.


T.L