Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa cứu sống bệnh nhi Võ Tấn D. (13 tuổi, thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị viêm cơ tim thể tối cấp đe dọa tử vong.
Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa cứu sống bệnh nhi Võ Tấn D. (13 tuổi, thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị viêm cơ tim thể tối cấp đe dọa tử vong.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng cơ thể bị kích thích, mệt nhiều, hồi hộp tức ngực, khó thở. Kết quả chẩn đoán trẻ có biểu hiện của viêm cơ tim thể tối cấp (thở nhanh gắng sức, nhịp tim nhanh 170 lần/phút, tay chân lạnh, huyết áp tụt thấp) đe dọa tử vong. Các xét nghiệm cận lâm sàng sau đó phù hợp với kết quả chẩn đoán. Trẻ được điều trị hồi sức tích cực theo phác đồ choáng tim – suy tim sung huyết nặng. Sau 16 ngày được điều trị tích cực tình trạng bệnh của trẻ cải thiện tốt, chức năng tim trở về bình thường, trẻ xuất viện vào ngày 17-6.
Theo người nhà của trẻ, trước khi nhập viện trẻ đã khởi bệnh 3 ngày với các triệu chứng ho, sổ mũi, sốt nhẹ, đau mỏi cơ, ăn uống vẫn bình thường. Gia đình trẻ có mua thuốc ngoài tiệm cho trẻ uống. Đến tối ngày 1-6, trẻ đột ngột thấy mệt, choáng, khó thở, hồi hộp, mệt ngực mỗi lúc mỗi tăng dần. Gia đình đưa bé vào cấp cứu tại BV đa khoa Vạn Ninh và sau đó được chuyển vào BV đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Trưởng phó Khoa Nhi, BV đa khoa tỉnh cho biết: Viêm cơ tim là bệnh lý tim mạch trầm trọng, thường gây ra do các siêu vi như: Coxsackie virus type B1 - 5, Coxsackie virus type A 4, Coxsackie virus type A 16, Echo virus, Adeno virus, Herpes simplex virus, Influenza virus... Trong những ngày đầu khởi bệnh, trẻ có triệu chứng của nhiễm siêu vi đường hô hấp trên như sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Sau 1, 2 ngày, trẻ có thể có triệu chứng khó thở, bứt rứt, quấy khóc, vã mồ hôi, tiểu ít, bị phù. Đa số các trường hợp bệnh được các bác sĩ phát hiện và cho nhập viện khi có các triệu chứng rối loạn nhịp tim, suy tuần hoàn, trụy mạch do giảm sức co bóp của cơ tim. Viêm cơ tim thể tối cấp ở trẻ em là một bệnh tim mạch có diễn tiến nặng dễ đưa đến tử vong.
Thời tiết nóng nực có thể là một trong những yếu tố thuận lợi cho sự nhiễm siêu vi nói chung và các virus gây viêm cơ tim ở trẻ nói riêng. Hiện tại bệnh lý này chưa có thuốc chủng ngừa đặc hiệu. Do đó, phụ huynh cần hạn chế trẻ dưới 24 tháng tuổi tiếp xúc với nhiều người lớn, trẻ lớn để tránh lây các loại virus; khi thấy trẻ ăn uống bất thường, mệt bất thường, hay có những biểu hiện khác với thường ngày cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
T.L