11:05, 06/05/2015

Vệ sinh tay sẽ giảm 50% nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa phát động chiến dịch "Bảo vệ sự sống, hãy vệ sinh tay". Thạc sĩ Dương Nữ Tường Vy - Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện cho biết:

Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa phát động chiến dịch “Bảo vệ sự sống, hãy vệ sinh tay”. Thạc sĩ Dương Nữ Tường Vy - Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của BV cho biết:

- Chiến dịch này là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo WHO, nhiễm khuẩn BV là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỷ lệ người bệnh tử vong, tăng ngày nằm điều trị, tăng chi phí dùng thuốc... Theo nghiên cứu tại BV Bạch Mai (Hà Nội) vào năm 2010 cho thấy, nhiễm khuẩn BV làm tăng thời gian nằm viện lên thêm 11,4 ngày, chi phí điều trị tăng trung bình 3,1 triệu đồng.


Nhiều nghiên cứu cho thấy, bàn tay của nhân viên y tế là nguyên nhân chủ yếu gây nên nhiễm khuẩn BV. Theo WHO, vệ sinh tay được coi là vắc xin tự chế rất dễ thực hiện, có hiệu quả, chi phí thấp và có thể cứu sống hàng triệu người. Vệ sinh tay trước và sau khi tiếp xúc với mỗi bệnh nhân có thể làm giảm 50% nguy cơ nhiễm khuẩn BV ở người bệnh. Tại Việt Nam, các chương trình giám sát ở một số BV cho thấy, tỷ lệ tuân thủ các quy định về vệ sinh tay của nhân viên y tế chỉ khoảng 13,4%.


- Bà có thể đánh giá sơ bộ việc tuân thủ quy định vệ sinh tay của nhân viên y tế ở BV Đa khoa tỉnh?


- Có thể khẳng định, nhân viên y tế ở BV Đa khoa tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều người chưa thực hiện tốt quy định này do nhiều nguyên nhân như: lượng bệnh nhân đông, nhân viên y tế làm việc nhiều nên ít có thời gian rửa tay; trang thiết bị để thực hiện việc rửa tay ở BV chưa nhiều; một số người bị dị ứng với hóa chất... 

   
Năm 2014, BV tiến hành giám sát việc thực hiện vệ sinh tay ở một số khoa, phòng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ thực hiện chưa cao (chỉ khoảng 14%). Trước tình hình đó, Ban Giám đốc BV đã đầu tư thêm các bồn rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, tập huấn lại cho cán bộ, nhân viên trong toàn BV. Ngoài ra, lãnh đạo BV còn nhắc nhở thường xuyên trong các buổi giao ban; xử phạt các khoa, phòng thực hiện chưa nghiêm. Nhờ đó, hiện nay, việc tuân thủ vệ sinh tay ở BV có chuyển biến tích cực. Tại một số đơn vị chăm sóc đặc biệt, tỷ lệ tuân thủ tăng khá cao, có khoa tăng lên 61%; lượng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn BV ở các khoa này giảm nhiều. Thời gian tới, BV sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp can thiệp để cán bộ, nhân viên nâng cao ý thức hơn về vấn đề này.


- Theo bà, người bệnh và người nuôi bệnh có cần thực hiện vệ sinh tay khi đang chăm sóc và điều trị tại BV?


- Người bệnh và người nuôi bệnh cũng cần thường xuyên thực hiện việc này. Vì nếu 2 đối tượng trên không thực hiện tốt việc rửa tay cũng có thể bị nhiễm khuẩn, sau đó lây nhiễm cho nhân viên y tế; từ đó có thể dẫn đến lây nhiễm chéo trong toàn BV.


Đối với người bệnh và người nuôi bệnh, họ nên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, chăm sóc người bệnh; sau khi đi vệ sinh; tiếp xúc với những vật dụng dơ bẩn, chất thải của người bệnh. Đối với những bệnh nhân được điều trị ở những đơn vị chăm sóc đặc biệt như: Hồi sức tích cực - Chống độc, Nhi, Sản, Nhiễm, Bỏng..., người nuôi bệnh cần tuân thủ tốt hơn việc thực hiện rửa tay.


- Xin cảm ơn bà!


THẢO LY (Thực hiện)