Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có 1,1 tỷ người hút thuốc lá thường xuyên và hàng năm có hơn 3 triệu người chết vì các căn bệnh do thuốc lá gây ra.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có 1,1 tỷ người hút thuốc lá thường xuyên và hàng năm có hơn 3 triệu người chết vì các căn bệnh do thuốc lá gây ra.
Những chất độc hại có trong thuốc lá |
Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất trong khu vực và trên thế giới, trong đó tỷ lệ hút thuốc trong những người trẻ tuổi chiếm 31,6%. Mỗi năm ở nước ta có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Và đến năm 2030, số ca tử vong sẽ tăng đến 70.000 người.
Tại Khánh Hòa, theo kết quả điều tra (năm 2014) của Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh (thực hiện trên 430 người ở độ tuổi trung bình 40 và tại 85 cơ quan, đơn vị) cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh là 31,1%, trong đó có 26,5% người hút hàng ngày.
Số bệnh nhân ung thư phổi liên quan đến thuốc lá tăng
Những năm gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi đến khám và điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh ngày càng tăng. Nếu như năm 2011, số ca mắc là 187 thì năm 2012 tăng lên 257 ca, năm 2013 là 279 ca, đến năm 2014 tăng lên 368 ca. Riêng từ đầu năm đến nay có 147 ca đến khám và điều trị. Bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp - Trưởng khoa Ung bướu của BV cho biết: “Trong số bệnh nhân trên, chiếm hơn một nửa là những người nghiện hút thuốc lá. Tỷ lệ bệnh nhân mắc căn bệnh này dưới 40 tuổi chiếm khoảng 1/3. Hiện nay, tại khoa có 10 bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối đang được điều trị”.
Mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, anh Nguyễn Văn B. (40 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) cho biết, anh hút thuốc lá từ năm 15 tuổi, ban đầu chỉ vài điếu, sau tăng lên 1 đến 2 gói/ngày. Cách đây 2 năm, thấy cơ thể sụt giảm cân nhanh, có triệu chứng ho khan, tức ngực kéo dài nhưng nghĩ là bệnh viêm họng thông thường nên anh chỉ mua thuốc uống. Sau đó, cơn đau tức ngực xuất hiện ngày càng nhiều, kèm theo khó thở nên anh nhập viện điều trị. Sau khi khám và thực hiện sinh thiết, anh mới biết mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Còn ông Lê Nguyễn V. (70 tuổi, phường Phước Tân, TP. Nha Trang) kể, ông hút thuốc từ năm 17 tuổi. Đầu năm nay, do đau tức ngực nhiều dẫn đến khó thở, ông V. vào BV khám mới biết mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối. “Hiện tôi đang điều trị theo phương pháp điều trị trúng đích nhưng tôi biết cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Nếu hồi trẻ tôi nghe lời khuyên của gia đình thì...” - ông V. bỏ lửng câu nói.
Tại Khoa Nội tổng hợp - Thần kinh, số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện điều trị cũng tăng nhiều trong những năm gần đây, trong đó gần 90% bệnh nhân mắc căn bệnh này đều có hút thuốc lá. Và một điều đáng lo ngại là tỷ lệ bệnh nhân trẻ hóa ngày càng nhiều.
Ý thức phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa cao
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2013; Nghị định số 176 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có nhiều quy định xử phạt liên quan đến thuốc lá đã được ban hành và có hiệu lực từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định này trên cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng chưa cao, trong đó có cả các cơ quan Nhà nước.
Theo kết quả điều tra của Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh, trên địa bàn tỉnh cứ 10 người thì có khoảng 3 người hút thuốc lá. Địa điểm hút thuốc lá nhiều nhất là tại các quán bar - café (chiếm 63,4%) và các nhà hàng (28,2%). Trong các cơ quan Nhà nước, 42,9% đối tượng hút thuốc lá tại nơi có treo biển cấm. Có khoảng 15% địa điểm công cộng trong điều tra có quy định cấm hút thuốc lá nhưng mức độ bao phủ của biển báo cấm còn thấp. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá hàng ngày tại nhà của người dân còn cao (chiếm gần 50%).
Mới đây, tại hội thảo về phòng, chống tác hại thuốc lá do Hội Y tế công cộng Khánh Hòa tổ chức, ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế kiến nghị, để việc phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả, cần tăng cường truyền thông tại các cơ quan Nhà nước và địa điểm công cộng về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và quy định cấm hút thuốc; chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Luật này tại các địa điểm công cộng như quán bar - café, nhà hàng; tăng cường truyền thông đại chúng về quyền của người không hút thuốc lá và tác hại của hút thuốc lá thụ động tới sức khỏe của họ... “Tuy nhiên, bản thân mỗi cá nhân phải có trách nhiệm tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình vì lợi ích cá nhân và cộng đồng. Vì thế, việc phòng, chống tác hại của thuốc lá phải là việc của cả cộng đồng” - ông Chứng khẳng định.
T.L
Bác sĩ Phan Thị Thanh Thế - Khoa Nội tổng hợp - Thần kinh, BV Đa khoa tỉnh: Qua nghiên cứu khảo nghiệm, các nhà khoa học đã chứng minh: Trong khói thuốc lá có hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe. Cứ hút một điếu thuốc lá là tự mình hủy hoại đi 5,5 phút cuộc đời. Khói thuốc lá tác động xấu đến hệ hô hấp, tim mạch, gây nên bệnh ung thư, tác hại nhiều đến sức khỏe của sản phụ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, khói thuốc lá còn làm giảm khả năng sinh sản và rối loạn tình dục ở nam và làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 - 80%.