08:05, 26/05/2015

Giúp người tâm thần phục hồi chức năng

Hiện nay, số người tâm thần trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, công tác trợ giúp, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần còn nhiều hạn chế.
 

Hiện nay, số người tâm thần trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, công tác trợ giúp, chăm sóc, phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần còn nhiều hạn chế. Do đó, việc thực hiện tốt Đề án “Trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng” sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
 
Còn nhiều hạn chế
 
Do áp lực của cuộc sống, áp lực kinh tế, tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nên số người tâm thần, rối nhiễu tâm trí đang có xu hướng gia tăng. 
 
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện nay, toàn tỉnh có 3.124 người tâm thần, trong đó có 3.038 người sống tại cộng đồng (2.515 người bị nặng và có các hành vi biểu hiện như: 32,3% đi lang thang; 22,94% đập phá; 4,21% đánh người; 3,7% tự đánh bản thân; 2,98% không mặc quần áo; 1,91% ăn thực phẩm sống, ôi thiu; 14,67% không có hành vi; 26,28% có các hành vi khác) và 87 người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH). 

 

Chăm sóc người tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Chăm sóc người tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
 
Việc chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí đang là một thách thức lớn, gánh nặng đối với toàn xã hội. Gia đình người tâm thần phải chăm sóc dài ngày cùng với điều kiện kinh tế khó khăn nên thường buông xuôi, ít chăm lo chữa trị, nhốt hoặc để đi lang thang, phó mặc cho xã hội. Sự quan tâm của các ngành, các cấp và của cộng đồng xã hội còn nhiều hạn chế, hiệu quả trợ giúp người tâm thần chưa cao...
 
Để hỗ trợ người bị rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là người tâm thần, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hướng đến giúp đỡ, hỗ trợ cho 1.396 người tâm thần với mức trợ cấp 405.000 đồng/người/tháng; khoảng 1.800 người tâm thần nặng đang được chăm sóc và PHCN tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và 87 người đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở BTXH. Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách BTXH và PHCN cho người tâm thần dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập như: thiếu quy trình và nhân viên công tác xã hội làm công tác phát hiện, can thiệp sớm những người bị rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng; chưa có các quy định về vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên LĐ-TB-XH, công tác xã hội, y tế trong việc trợ giúp người tâm thần PHCN dựa vào cộng đồng; chưa có quy trình, tiêu chí lựa chọn người tâm thần PHCN luân phiên tại các cơ sở BTXH kết hợp với PHCN tại cộng đồng theo một quy trình liên thông...
 
Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất của các cơ sở BTXH còn nhiều bất cập. Cơ sở làm nhiệm vụ chăm sóc, PHCN cho người tâm thần là Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần chỉ có 77 giường bệnh. Quy trình chăm sóc và PHCN của các cơ sở BTXH chưa luân phiên, gần như nuôi người tâm thần từ khi tiếp nhận cho đến chết; kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học; diện tích ở dành cho người tâm thần chỉ có 2,3m2/người, trong khi quy định là 6m2/người; không có khu trị liệu phục hồi và sinh hoạt riêng của người tâm thần. Hơn thế, cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo về công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần; chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc và PHCN cho người tâm thần.
 
Phục hồi chức năng 
 
Để huy động gia đình và cộng đồng cùng tham gia trợ giúp về vật chất, tinh thần, PHCN để người tâm thần ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí dẫn đến bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 - 2020”. Mục tiêu của Đề án là 90% người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được PHCN luân phiên tại các cơ sở BTXH; 90% số người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao nhận thức về trợ giúp và PHCN cho người tâm thần dựa vào cộng đồng cho 100% gia đình có người tâm thần và 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần; sớm hình thành đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và PHCN cho người tâm thần tại các xã, phường, thị trấn có đông đối tượng.
 
Ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, tổng kinh phí để thực hiện Đề án này hơn 90,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 48 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh hơn 42,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các hoạt động như: triển khai xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở bảo trợ, chăm sóc và PHCN cho người tâm thần; phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và PHCN cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng; phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về trợ giúp, PHCN cho người tâm thần; điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Trước mắt, tỉnh cần đầu tư xây dựng mới trung tâm chăm sóc và PHCN cho người tâm thần để nuôi dưỡng tập trung, chăm sóc và PHCN thường xuyên cho 300 người tâm thần mãn tính; mỗi năm PHCN luân phiên cho 200 lượt người tâm thần sống tại cộng đồng...
 
VĂN GIANG