Hàng năm, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đều triển khai chương trình tẩy giun định kỳ cho học sinh các trường tiểu học. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nhiễm giun vẫn còn cao.
Hàng năm, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đều triển khai chương trình tẩy giun định kỳ cho học sinh các trường tiểu học. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nhiễm giun vẫn còn cao.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cho con uống thuốc |
Hàng năm, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đều có chương trình tẩy giun định kỳ 1 năm/lần cho học sinh tiểu học bằng thuốc Albendazole 400mg đơn liều. Tuy nhiên, theo kết quả đề tài nghiên cứu “Đánh giá tỷ lệ nhiễm giun đường ruột và hiệu quả thuốc tẩy giun Albendazole” của Trung tâm Y tế (TTYT) Khánh Vĩnh tại 3 trường tiểu học: Khánh Đông, Liên Sang và thị trấn Khánh Vĩnh, tỷ lệ nhiễm giun chung là 38,3%. Trong đó, Liên Sang chiếm tỷ lệ cao nhất 59,1%, Khánh Đông 31,4% và thị trấn Khánh Vĩnh là 28,2%. Sau khi điều trị tẩy giun 7 ngày, tỷ lệ sạch ký sinh trùng đường ruột trên 97%. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nhiễm giun sau 3 tháng rất cao: giun tròn 35%, giun đũa 19,7%, giun móc 14,2%. Nhóm học sinh dân tộc Raglai có tỷ lệ nhiễm giun cao nhất chiếm 55,8%. Khu vực nhiễm giun cao nhất là 4 xã cánh Tây gồm: Khánh Thượng, Yang Li, Sơn Thái và Liên Sang. Đây là những xã thiếu nước trầm trọng và đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống.
Theo y sĩ Pi Năng Davit, Trạm trưởng Trạm y tế xã, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là thiếu nước sạch. Hiện chỉ có 35% số hộ trong xã có nước sạch sử dụng. Nhiều hộ không có nhà vệ sinh. Đặc biệt, trẻ em miền núi lại hay đi chân trần, tiếp xúc trực tiếp với đất. Do vậy, ấu trùng giun dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Do vậy, dù vẫn thực hiện tẩy giun định kỳ cho trẻ nhưng lại nhanh chóng tái nhiễm.
Bác sĩ Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc TTYT Khánh Vĩnh cho biết, tình trạng nhiễm giun sẽ để lại hậu quả rất lớn đối với sức khỏe của trẻ em. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng và thiếu máu trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh chiếm tỷ lệ cao. Theo kết quả kiểm tra cuối năm 2014, toàn huyện chỉ 55,5% hộ dân có nước sạch, còn lại sử dụng nước sông, suối. Số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ chiếm 58%. Do vậy, muốn phòng ngừa được tình trạng tái nhiễm giun trước mắt phải giải quyết nguồn nước sạch cho người dân sử dụng và hố xí hợp vệ sinh; tăng cường tuyên truyền giúp bà con hiểu biết về đường lây truyền của ấu trùng giun, thực hiện ăn chín uống sôi; cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần; khuyến khích người dân thay đổi tập quán chăn nuôi, không thả rong gia súc. Bác sĩ Tiến khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi trẻ có các biểu hiện chán ăn, bụng to, da xanh cần đưa trẻ đi khám để được xét nghiệm phát hiện điều trị đúng.
Duy Anh Thư