Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 200 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó số ca mắc trong tháng 3 chiếm gần 1/2.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 200 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó số ca mắc trong tháng 3 chiếm gần 1/2.
Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế |
Bé Nguyễn Văn A. (1 tuổi, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) nhập và điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong tình trạng sốt, lòng bàn tay, bàn chân có nhiều nốt đỏ. Bé A. được các bác sĩ chẩn đoán bệnh TCM. Qua 5 ngày điều trị tích cực, bệnh của bé đã thuyên giảm. Chị Nguyễn Hòa M. - mẹ của bé cho biết: “Gia đình không biết cháu lây bệnh từ đâu vì cháu chỉ ở nhà với ông bà, bố mẹ”.
Tương tự, bé Trần Thị V. (4 tuổi, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) đang được điều trị tại BVĐK khu vực Ninh Hòa vì mắc bệnh TCM. Anh Trần Minh Q. - bố của bé kể, 2 ngày trước khi nhập viện điều trị, người cháu cứ sốt âm ấm, biếng ăn hẳn, trong lòng bàn tay, bàn chân và trong miệng xuất hiện những nốt đỏ có chấm trắng như mủ. Gia đình đưa cháu đi khám thì được chẩn đoán mắc TCM nên cho nhập viện để điều trị.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày, số bệnh nhi mắc bệnh TCM điều trị tại Khoa Nhiễm BVĐK tỉnh khoảng 7 cháu. Hầu hết các cháu đều mắc bệnh ở độ nhẹ. So với tháng 1 và tháng 2, số bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh TCM trong tháng 3 tăng. Bác sĩ Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bệnh TCM xảy ra rải rác quanh năm và có xu hướng tăng cao vào thời điểm tháng 4, 5, 6. Nguyên nhân là do điều kiện khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho virút gây ra bệnh. Bệnh này gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm hơn 90%). Ngoài các yếu tố nguy cơ tạo điều kiện lây lan như: nhà trẻ, mẫu giáo, các khu vui chơi công cộng dành cho trẻ...; trong một nghiên cứu do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện về xét nghiệm chẩn đoán bệnh TCM khu vực miền Trung cho thấy, tác nhân gây bệnh TCM từ người nhà bệnh nhân chiếm hơn 20%. “Điều đó lý giải vì sao nhiều trẻ không tiếp xúc với nguồn lây, chỉ ở nhà với ông bà, cha mẹ nhưng vẫn mắc bệnh TCM. Vì thế, cha mẹ, ông bà hoặc những người thân nên rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi bồng bế, chăm sóc, cho cháu ăn...” - bác sĩ Hải khuyên.
Cũng theo bác sĩ Hải, virút gây ra bệnh TCM có thể tồn tại trong chăn, màn, gối, đồ chơi của trẻ nhiều tháng, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển. Tuy nhiên, vi rút sẽ chết trong vòng 5 -10 phút khi bị phơi dưới nắng. Chính vì thế, phơi nắng và sát khuẩn được xem là biện pháp quan trọng để phòng, chống bệnh TCM cho trẻ. Bên cạnh đó, khi chăm sóc trẻ mắc bệnh TCM tại nhà, phụ huynh cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, vệ sinh răng miệng, thân thể thường xuyên cho trẻ; tái khám theo định kỳ; rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với trẻ.
T.L
Theo bác sĩ Nguyễn Đông - Trưởng khoa Nhiễm BVĐK tỉnh Khánh Hòa, bệnh TCM lây từ người sang người do virút đường ruột gây nên. Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, tiếp xúc trực tiếp từ phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Triệu chứng ở giai đoạn khởi phát: trẻ bị sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn khởi phát biểu hiện với các triệu chứng điển hình như: có vết loét đỏ hay bỏng nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt; phát ban hoặc bỏng nước xuất hiện ở những vị trí đặc trưng lòng bàn tay, bàn chân, gối, kẽ mông và trẻ có thể bị sốt nhẹ. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 7 ngày, sau đó bệnh sẽ bớt dần. Nếu không có biến chứng, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, phụ huynh không được chủ quan với căn bệnh này bởi nó có thể gây ra những biến chứng như: viêm não, màng não, viêm cơ tim hoặc phù phổi cấp... dễ dẫn đến tử vong nhanh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nặng như: sốt cao trên 2 ngày (39 độ C trở lên); ngủ li bì; giật mình nhiều lần khi ngủ; run chi, đi loạng choạng, ngồi không vững; nôn ói nhiều; thở nhanh, mệt; yếu liệt chi... phải nhanh chóng cho trẻ nhập viện điều trị.