09:03, 03/03/2015

Trẻ nhập viện vì rối loạn tiêu hóa tăng

Trong và sau Tết, số trẻ nhập viện vì rối loạn tiêu hóa tăng, chiếm hơn 30% số ca bệnh. Theo các bác sĩ Khoa Nhi, nguyên nhân có thể do trẻ ăn uống thất thường trong dịp Tết.

Trong và sau Tết, số trẻ nhập viện vì rối loạn tiêu hóa tăng, chiếm hơn 30% số ca bệnh. Theo các bác sĩ Khoa Nhi, nguyên nhân có thể do trẻ ăn uống thất thường trong dịp Tết.

 

Trong và sau Tết, trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhập viện tăng.
Trong và sau Tết, trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhập viện tăng.


Theo số liệu của Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, trong và sau Tết, bình quân mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân (BN) mới, trong đó có gần 1/2  số trẻ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng tiêu chảy cấp, nôn, ói, sốt... 3 phòng điều trị bệnh tiêu hóa của Khoa với gần 20 giường bệnh luôn chật kín BN.


Cũng trong thời gian này, tại BVĐK khu vực Cam Ranh, số trẻ đến khám và nhập viện điều trị bình quân mỗi ngày khoảng 40 cháu, trong đó, trẻ bị mắc bệnh rối loạn tiêu hóa chiếm hơn 30%. Tại các BVĐK khu vực Ninh Hòa, Ninh Diêm (Ninh Hòa), Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, số trẻ mắc bệnh này cũng tăng cao. Tuy nhiên, nhờ được điều trị sớm nên ít trẻ bị biến chứng nặng.

 

Theo bác sĩ Biện Thị Nga, để phòng tránh các bệnh về tiêu hóa, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn còn thừa lại sau Tết. Cần ăn chín, uống sôi; thực hiện tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ; hạn chế cho trẻ ăn các món chiên xào vì ăn nhiều dầu mỡ dễ làm tăng áp lực thẩm thấu gây bệnh tiêu chảy cho trẻ… Đặc biệt, khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, không nên tự ý mua thuốc cho trẻ sử dụng mà phải đến cơ sở y tế để kiểm tra và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ bị mắc bệnh rối loạn tiêu hóa cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần...

Hầu hết trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhập viện đợt này đều trong lứa tuổi đi nhà trẻ và cấp tiểu học. Theo nhận định của các bác sĩ Khoa Nhi, có thể do trẻ ăn uống thất thường, ăn hàng quán không hợp vệ sinh, thời tiết nóng lạnh thất thường, cùng với đó là thói quen trữ nhiều thực phẩm trong ngày Tết của nhiều gia đình dẫn đến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn... là những nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa tăng cao, trong đó phần nhiều là trẻ bị tiêu chảy cấp.


Chị Trần Khánh Hòa, mẹ BN Nguyễn Gia Khánh (2 tuổi, Phước Hòa, Nha Trang) cho biết: Mùng 7 Tết, thấy cháu mệt mỏi, ấm sốt, ói nhiều, lại tiêu chảy nên gia đình cho cháu nhập viện. Tại đây, cháu được chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa. Qua 4 ngày điều trị, các triệu chứng đã bớt. Tương tự, cháu Trần Đăng Vĩnh (hơn 3 tuổi, Cam Thuận, Cam Ranh) vào BVĐK khu vực Cam Ranh trong tình trạng sốt, ói, tiêu chảy nhiều lần trong ngày và được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp do rối loạn tiêu hóa. Theo người nhà của cháu, có thể trong những ngày Tết cháu ăn nhiều bánh kẹo, uống nhiều nước ngọt nên bị rối loạn tiêu hóa.


Theo bác sĩ Biện Thị Nga, Phó Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh: “Triệu chứng lâm sàng của bệnh tiêu chảy cấp là trẻ sốt, vật vã, tiêu chảy nhiều lần, đi tiểu ít. Bệnh lý này không gây nguy hiểm tức thời nhưng nếu để trẻ bị mất nước nhiều có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, khi trẻ mắc bệnh này, phụ huynh cần nhanh chóng bù nước cho trẻ bằng oresol hoặc nước cháo, canh, xúp, nước khoáng, nước dừa có pha ít muối. Đặc biệt, không cho trẻ uống nước ngọt có ga vì loại này sẽ tăng áp lực thẩm thấu kéo nước vào đường ruột làm cho phân càng lỏng, trẻ càng đi cầu nhiều dẫn đến mất nước nhiều ở trẻ”.


T.L