Chiều 10-3, bác sĩ Nguyễn Thanh Tồn - Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, lần đầu tiên Khoa phối hợp với Khoa Gây mê Hồi sức phẫu thuật nội soi thành công trường hợp bệnh lý tinh hoàn ẩn thể nặng nằm trong ổ bụng cho bệnh nhi Nguyễn Phú Hoàng (4 tuổi, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh).
Chiều 10-3, bác sĩ Nguyễn Thanh Tồn - Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, lần đầu tiên Khoa phối hợp với Khoa Gây mê Hồi sức phẫu thuật nội soi thành công trường hợp bệnh lý tinh hoàn ẩn thể nặng nằm trong ổ bụng cho bệnh nhi Nguyễn Phú Hoàng (4 tuổi, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa).
Bệnh nhân Hoàng trước khi phẫu thuật |
Được biết, trường hợp này khá nặng, bệnh nhân nhỏ tuổi lại nhẹ ký (11kg). Trước đây những ca như thế này BV phải phẫu thuật mở ổ bụng để tìm vị trí ẩn của tinh hoàn, sau đó bóc tách đưa xuống bìu, tuy nhiên, phương pháp này dễ gây các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân, lại ít thành công nên hầu hết đều được chuyển lên tuyến trên. Đầu năm 2015, BV đầu tư hệ thống phẫu thuật nội soi mới, có camera kích thước nhỏ, chuyên dùng để phẫu thuật cho các bệnh nhân nhi. Ê-kíp phẫu thuật đã sử dụng hệ thống này, đưa camera vào ổ bụng của bệnh nhân tìm vị trí của tinh hoàn, sau đó tiến hành bóc tách tinh hoàn cùng với ống dẫn tinh, mạch máu nuôi tinh hoàn xuống cố định dưới bìu. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Được biết, cứ 100 bé trai sinh ra có 3 bé bị mắc bệnh lý tinh hoàn ẩn, 70% vị trí ẩn của các tinh hoàn nằm ở bẹn hoặc gần bìu, riêng tinh hoàn ẩn trong ổ bụng chiếm khoảng 30%. Những trẻ mắc bệnh lý này sau 6 tháng nếu tinh hoàn không được đưa xuống bìu thì khả năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn giảm, nếu kéo dài có thể gây ung thư tinh hoàn.
T.L