Những năm qua, công tác phòng, chống lao của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Tá Phương - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa cho biết:
Những năm qua, công tác phòng, chống lao của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Tá Phương - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa cho biết:
- Năm 2014 là năm thành công lớn trong chương trình phòng, chống lao của tỉnh. Khánh Hòa đã thành lập được Ban chỉ đạo Chiến lược phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và đã triển khai thực hiện 6 chương trình chống lao chuyên biệt hóa gồm: chương trình lao chung, lao/HIV, thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp, phối hợp y tế công - công, công - tư, lao trẻ em và lao trại giam. Ngoài ra, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến giúp chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh lao. Qua đó, góp phần nâng cao rõ rệt hiệu quả của công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Tổng số lần khám sàng lọc lao năm 2014 là 80.028 lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao các thể phát hiện được 545 trường hợp, tăng 0,6%. Tỷ lệ điều trị khỏi và hoàn thành điều trị đạt 92,5%, tăng 1,6% (vượt gần 7% so với yêu cầu của Chương trình phòng, chống lao quốc gia). Tỷ lệ bỏ điều trị 1,5%, giảm 0,4% (thấp nhất trong vòng 5 năm qua với mức bỏ điều trị trung bình 2,5%). Tỷ lệ tử vong do lao toàn tỉnh 4,2 người/100.000 dân, giảm 0,8%.
Chương trình phòng, chống lao của tỉnh đã chủ động đến Trại giam A2 khám, chụp phim sàng lọc bệnh lao cho 1.519 phạm nhân của trại; tiến hành xét nghiệm đàm kiểm tra cho 500 phạm nhân có triệu chứng nghi ngờ. Kết quả: đã phát hiện thêm 13 trường hợp bị lao. Chương trình phối hợp y tế công - công, công - tư đã giúp phát hiện 61 trường hợp lao mới...
- Hiện nay, lao kháng thuốc và lao trẻ em đang là vấn đề đau đầu đối với những đơn vị thực hiện công tác chống lao. Ở Khánh Hòa, công tác này diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?
- Lao đa kháng thuốc đang là vấn đề nhức nhối đối với các nước chưa phát triển, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, không có nhiều tỉnh có khả năng và điều kiện để chẩn đoán chính xác và quản lý bệnh nhân lao đa kháng thuốc, từ đó sẽ dễ lây lan ra cộng đồng mà chúng ta không hề biết. Người bị lây cũng sẽ bị lao đa kháng thuốc và lại tiếp tục lây cho người khác. Trong khi đó, thuốc điều trị lao đa kháng thuốc khá đắt, thời gian điều trị kéo dài từ 19 đến 26 tháng, tỷ lệ thành công theo công bố của nước ngoài khoảng 50%, ở TP. Hồ Chí Minh là 70%.
Khánh Hòa là một trong những tỉnh thực hiện chẩn đoán chính xác và quản lý tốt bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Cụ thể: Năm 2014, chúng tôi đã phát hiện và quản lý điều trị thêm 50 bệnh nhân lao mới, nâng tổng số bệnh nhân được quản lý điều trị lên 68 trường hợp, trong đó có 8 bệnh nhân được điều trị khỏi.
Về lao trẻ em, năm qua, chúng tôi đã chủ động thực hiện khám sàng lọc cho 200 trẻ em sống trong gia đình có người bị bệnh lao, phổi. Kết quả: đã phát hiện thêm 52 trường hợp lao trẻ em, nâng tổng số lao trẻ em lên 79 trường hợp.
- Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn có sự kỳ thị lớn đối với những người mắc bệnh lao, vì cho rằng bệnh này rất dễ lây lan và khó điều trị. Theo bác sĩ, quan điểm này đúng hay sai?
- Những năm qua, nhờ làm tốt công tác truyền thông nên sự kỳ thị đối với bệnh lao và những người mắc lao trong toàn tỉnh có những thay đổi rất tích cực. Lao là căn bệnh ai cũng có thể mắc phải. Mỗi năm, Chương trình chống lao của tỉnh phát hiện và điều trị cho khoảng 1.500 người bị lao mới. Kỳ thị bệnh lao và bệnh nhân lao là không văn minh và hoàn toàn sai lầm. Bệnh này cần phải có sự chung tay của toàn xã hội nhằm giúp phát hiện sớm những người bị lao, qua đó giúp họ sớm điều trị và điều trị khỏi. Có như thế mới giảm hoặc cắt được sự lây lan bệnh lao trong cộng đồng.
Chủ đề của ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay là “Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia phòng, chống lao”. Vì thế, cần sự chung tay của cộng đồng hơn nữa trong công tác này.
- Bác sĩ có thể cho biết làm sao phát hiện được người mắc lao trong cộng đồng, những dấu hiệu nào giúp phát hiện một người có nguy cơ mắc bệnh lao?
- Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao phổi thường gặp là ho kéo dài trên 2 tuần, có thể kèm theo các biểu hiện như: gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi trộm ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở. Do vậy, tất cả những cá nhân có biểu hiện trên nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm sàng lọc lao, đặc biệt là những người thuộc các nhóm nguy cơ cao như: Người nhiễm HIV/AIDS; người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây; trẻ em; người mắc các bệnh mạn tính loét dạ dày - tá tràng, đái tháo đường...
- Hiện nay, Nhà nước có những chính sách gì để hỗ trợ cho công tác điều trị đối với những người mắc bệnh lao, thưa bác sĩ?
- Hiện nay, Chương trình phòng, chống lao quốc gia đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nên việc phân bổ kinh phí cho hoạt động phòng, chống lao trong toàn tỉnh bị cắt giảm chỉ còn khoảng 40% so với trước và xu hướng còn bị cắt giảm trong những năm tới. Để hỗ trợ một phần những khó khăn trên, UBND tỉnh đã phê duyệt cấp một số kinh phí đối ứng cho Chương trình phòng, chống lao của tỉnh. Nhờ đó, năm 2014, bệnh nhân lao đa kháng thuốc được hỗ trợ điều trị trong giai đoạn 14 ngày đầu nằm viện; 100% bệnh nhân lao được cung cấp đầy đủ, kịp thời một số thuốc điều trị lao mà Chương trình phòng, chống lao quốc gia không có. Nhờ đó, không có tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị giữa chừng do không có tiền tự mua thuốc bổ sung.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
THẢO LY (Thực hiện)