Kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp tỉnh "Đánh giá thực trạng vệ sinh trường học theo quy chuẩn quốc gia ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật học đường của học sinh tại các trường phổ thông tỉnh Khánh Hòa" đã chỉ ra những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh trên địa bàn tỉnh.
Kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp tỉnh “Đánh giá thực trạng vệ sinh trường học (VSTH) theo quy chuẩn quốc gia ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật học đường của học sinh (HS) tại các trường phổ thông tỉnh Khánh Hòa” đã chỉ ra những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của HS trên địa bàn tỉnh.
Các em học sinh thực hành rửa tay bằng xà phòng |
Thạc sĩ Trần Nguyễn Vân Như - Viện Pasteur Nha Trang, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được thực hiện từ tháng 9-2012 đến tháng 9-2014 với mục tiêu đánh giá thực trạng VSTH theo quy chuẩn quốc gia của các trường phổ thông tại tỉnh Khánh Hòa, qua đó đề xuất các biện pháp nâng cao điều kiện VSTH nhằm bảo vệ sức khỏe HS, phòng tránh các bệnh, tật học đường. Các điều kiện VSTH được đưa vào nghiên cứu là nước uống, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, kích thước bàn ghế, độ chiếu sáng, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác chăm sóc và quản lý sức khỏe HS… Các điều kiện này được đánh giá dựa theo các tiêu chuẩn của Quyết định số 1221 (ban hành năm 2000) của Bộ Y tế và Thông tư liên tịch số 18 (ban hành năm 2011) của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế. Có 500 phòng học của 100 trường học của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được chọn đưa vào đo đạc nghiên cứu. Trong đó có 56 trường tiểu học, 32 trường THCS và 12 trường THPT.
Qua 2 năm thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy, 82% số trường đạt về công tác y tế và các điều kiện VSTH, còn 14% trường chưa đạt. Chỉ có 4% trường đạt loại khá và không có trường nào xếp loại tốt. Các trường khối THPT thực hiện không tốt bằng khối THCS và tiểu học; khu vực huyện miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện công tác y tế trường học cũng như chưa đảm bảo các điều kiện VSTH so với các trường khu vực đồng bằng. Tương tự, đối với các trường chưa đạt chuẩn quốc gia có điểm đánh giá chung về công tác y tế và các điều kiện VSTH thấp hơn so với các trường đạt chuẩn. Các trường có phòng y tế riêng biệt, có cán bộ y tế chuyên trách và trình độ cán bộ y tế phù hợp thì thực hiện có hiệu quả hơn công tác y tế trường học.
Cụ thể, đối với công tác quản lý chăm sóc sức khỏe cho HS, các trường chỉ đạt 6,9/10 điểm theo các quy định đánh giá hiện hành về trường học. Trong đó, tỷ lệ trường có phòng y tế riêng chiếm 60%, trang thiết bị và thuốc thiết yếu đầu tư cho trường học còn thiếu nhiều so với danh mục quy định (tỷ lệ đạt 11%); tỷ lệ trường có cán bộ y tế chuyên trách chiếm 70%, trình độ cán bộ y tế từ y sĩ trở lên chỉ chiếm 28%.
Về điều kiện VSTH, 99/100 trường có nhà vệ sinh cho HS, tuy nhiên tỷ lệ nhà vệ sinh có trang bị xà bông rửa tay chỉ chiếm 37,4%... 92% trường cung cấp nước uống cho HS từ nguồn nước uống đóng bình hoặc nước máy qua lọc, trong đó chỉ có 23,9% mẫu nước uống đạt chất lượng (kết quả phân tích cho thấy nước uống đóng bình đạt chất lượng thấp hơn nước uống qua lọc trực tiếp). 100% trường có nguồn nước sinh hoạt cho HS nhưng chất lượng nước sinh hoạt chỉ đạt với tỷ lệ 45%. Đa số các trường tổ chức cho HS ăn ngay tại lớp học nhưng do trường chưa bố trí được nhà ăn cho HS nên điều kiện vệ sinh về nhà ăn có tỷ lệ đạt thấp (4,2-41,7%). Việc theo dõi và kiểm tra thường xuyên sức khỏe nhân viên bếp ăn và cấp dưỡng theo quy định chưa đảm bảo với tỷ lệ đạt chỉ 37,5%.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích phòng học đạt tiêu chuẩn cao (92,2 - 99,6%), nhưng chưa đảm bảo được độ thông thoáng thể hiện ở chỉ số CO2 trong lớp học cao hơn quy định (69%). 56,6% phòng học đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng bóng đèn trong phòng học, nhưng có đến 94,2% phòng học bố trí đèn sai quy cách. Có 28/500 phòng học đạt quy chuẩn về tiếng ồn (chiếm 5,6%). Tỷ lệ bàn ghế đúng quy cách trong các phòng học chỉ đạt từ 43,2% đến 66,6%. Trên 50% các cỡ bàn, ghế theo từng cấp học cao hơn so với quy định.
“Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nga, cường độ tiếng ồn không đạt chuẩn sẽ tác động làm cảm thụ thính giác tăng lên, khả năng làm việc và sự chú ý của HS giảm. Lớp học thiếu sáng, độ chiếu sáng không hợp lý làm HS bị căng thẳng thị giác, dẫn đến các tật khúc xạ. Bàn cao ghế thấp hay bàn thấp ghế cao đều có ảnh hưởng tới sự sai lệch tư thế ngồi học, về lâu dài sẽ phát sinh những biến đổi dây chằng và chỉnh hình dáng các đốt sống, tạo nên cong vẹo cột sống cố định” - Thạc sĩ Như chia sẻ.
Để cải thiện điều kiện vệ sinh trường học trên địa bàn tỉnh, nhóm nghiên cứu đưa ra các đề xuất: ngành Y tế cần tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trường học các cấp thông qua đào tạo, tập huấn. Nhà trường cần chủ động cải thiện các điều kiện cơ sở trường lớp trong khả năng hiện có (tận dụng các phòng trống, tạo vách ngăn riêng cho phòng y tế…). Chính quyền địa phương cần có kế hoạch đầu tư nguồn lực cho hoạt động y tế trường học, đảm bảo 100% trường có cán bộ y tế chuyên trách có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên.
Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác y tế cũng như điều kiện vệ sinh ở các trường học, qua đó có sự đầu tư phù hợp. Xây dựng trường học theo mô hình trường học nâng cao sức khỏe là giải pháp cho sự phát triển bền vững và toàn diện trong công tác chăm sóc sức khỏe HS, là giải pháp lâu dài và cần được từng bước áp dụng ngay tùy điều kiện hiện có của từng trường….
T.L