Nhờ đầu tư phát triển nhiều kỹ thuật mới, chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đầu tư phát triển nhiều kỹ thuật mới, chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi tỉnh được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ đang nội soi phế quản ống mềm cho bệnh nhân N.T.T |
Ứng dụng nhiều kỹ thuật mới
Từ năm 2013, BV Lao và Bệnh phổi được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Để làm chủ các kỹ thuật mới, BV đã cử bác sĩ đi đào tạo ở các BV tuyến trên đồng thời triển khai nhiều đề tài nghiên cứu và ứng dụng thành công tại BV. Điển hình là Kỹ thuật nuôi cấy nhanh vi khuẩn lao bằng môi trường lỏng - MGIT, Kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm, Kỹ thuật Gene - Xpert và kỹ thuật PCR - Lao.
Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm, Phó Giám đốc BV cho biết: Trước đây, BV chưa triển khai các kỹ thuật này, bác sĩ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian trong việc chẩn đoán các bệnh lao khó chẩn đoán như lao AFB âm tính (lao phổi chưa tìm thấy vi trùng lao trong đờm). Do đó, BV phải gửi mẫu bệnh phẩm lên BV tuyến trên. Từ khi ứng dụng nhiều các kỹ thuật, rất nhiều ca bệnh đã được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, giảm thời gian và chi phí cho người bệnh, hạn chế được nguồn lây trong cộng đồng.
Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, BV tiếp tục triển khai thêm 2 kỹ thuật mới: Kỹ thuật Gene - Xpert và kỹ thuật PCR - Lao. Theo bác sĩ Tâm, Gene - Xpert là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử mang tính đột phá, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ với độ nhạy 98% và độ đặc hiệu cao 99,2%. Thời gian xét nghiệm chỉ mất khoảng 2 giờ. Kỹ thuật này cho kết quả kép, tức là đồng thời trả lời được 2 vấn đề: bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có ít hay nhiều và vi khuẩn lao có kháng thuốc hay không. Còn kỹ thuật PCR là phương pháp khuếch đại nhanh nhiều bản sao các đoạn AND. Kỹ thuật này giúp phát hiện các bệnh lao khó chẩn đoán như: lao phổi AFB âm tính và các thể lao ngoài phổi gồm lao hạch, lao màng phổi, màng bụng, màng tim, lao cột sống... một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trong những tháng đầu năm, nhiều ca bệnh đã áp dụng các kỹ thuật này.
Nâng cao hiệu quả phát hiện, điều trị
Nhờ đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật, vài năm gần đây, BV đã nâng cao khả năng phát hiện và điều trị bệnh. Ngoài số bệnh nhân (BN) lao, nhiều BN mắc các bệnh phổi mãn tính cũng được điều trị tại BV. Số lượt BN đến khám và điều trị tại BV tăng lên rõ rệt. Năm 2012 trên 19.000 lượt, năm 2014 tăng lên gần 21.500 lượt. Số BN điều trị nội trú năm 2012 chỉ có 1.087 người, năm 2014 lên tới 1.736 người.
Bác sĩ Tâm cho biết thêm: Từ năm 2012 trở về trước, BV hầu như không có phương tiện kỹ thuật nào hiện đại, nhiều trường hợp lao phổi chưa tìm ra vi trùng lao trong đàm đều kết luận là lao phổi âm tính. Việc gửi BN lên tuyến trên thì không phải BN nào cũng có điều kiện để đi. Cho nên, số lượng BN lao âm tính cao. Việc áp dụng phác đồ điều trị có thể không chính xác với tình trạng bệnh. Khi áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu, nhiều trường hợp như vậy đã cho kết quả dương tính, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, bệnh chóng khỏi. Đặc biệt, việc đưa hệ thống thiết bị chẩn đoán lao nhanh vào hoạt động giúp ích rất lớn trong việc phát hiện, điều trị kịp thời những trường hợp lao kháng thuốc và lao đa kháng thuốc, hạn chế tình trạng lây lan ra cộng đồng.
Từ việc áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu cho kết quả cận lâm sàng chính xác, số BN phát hiện lao phổi dương tính tại BV tăng lên rõ rệt: năm 2012 là 280 ca, 2014 là 422 ca. Điều này đồng nghĩa với việc chẩn đoán lao phổi âm tính giảm xuống cụ thể: năm 2012 có 341 ca, năm 2014 chỉ còn 233 ca. Số ca bệnh phổi điều trị tại BV tăng lên, từ 154 ca lên 734 ca.
Việc phát triển kỹ thuật mới không chỉ giúp người bệnh được tiếp cận điều trị sớm, giảm tốn kém về chi phí và thời gian khi phải chuyển lên tuyến trên, hạn chế được nguồn lây trong cộng đồng, mà còn giúp nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho đội ngũ y, bác sĩ của BV, bắt kịp với kiến thức y khoa mới. Tuy nhiên, hiện tại BV vẫn đang thiếu đội ngũ bác sĩ, ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai các kỹ thuật mới này. “Thời gian tới, BV tiếp tục gửi bác sĩ lên tuyến trên đào tạo và mời các chuyên gia về chuyển giao công nghệ tại BV theo đề án 1816 của Bộ Y tế. Với những giải pháp này chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu làm chủ các kỹ thuật mới, điều trị tốt cho BN” - bác sĩ Tâm nói.
Duy Anh Thư