10:03, 11/03/2015

Đưa bệnh nhân từ cộng đồng trở lại bệnh viện điều trị

Sau hơn 1 năm triển khai đề tài nghiên cứu "Đánh giá hiệu quả điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân tâm thần phân liệt bị xích, cách ly tại nhà và lang thang trong cộng đồng", Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh đã đưa được 77 bệnh nhân thuộc diện này về điều trị tại BV.

Sau hơn 1 năm triển khai đề tài nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân tâm thần (BNTT) phân liệt bị xích, cách ly tại nhà và lang thang trong cộng đồng”, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần (BVCKTT) tỉnh Khánh Hòa đã đưa được 77 BN thuộc diện này về điều trị tại BV.

 

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân tâm thần tại gia đình sau điều trị.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân tâm thần tại gia đình sau điều trị


Hiệu quả điều trị


Anh Trần Thanh Minh (42 tuổi, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) phát bệnh tâm thần hơn 20 năm nay. Anh thường xuyên kích động, quậy phá, bỏ nhà đi lang thang, gây thương tích cho người thân, láng giềng. Gia đình buộc phải xích anh tại chỗ gần 10 năm, anh dần mất hết các kỹ năng sống. Giữa năm 2014, anh Minh được cán bộ BVCKTT đến nhà vận động đưa về điều trị tại BV. Sau 4 tháng điều trị, sức khỏe và tâm thần của anh Minh cải thiện rõ rệt. Bà Trịnh Thị Kim Sơn - mẹ anh Minh, cho biết: “Con tôi hồi trước toàn ăn đất, xé quần áo, không biết cha mẹ, anh em là ai, tôi đau lòng lắm. Giờ con tôi khỏe lại, biết nghe lời, chịu uống thuốc, mặc quần áo, nhận ra người thân, ăn uống sinh hoạt cùng gia đình. Tôi mừng lắm và rất biết ơn bác sĩ”.


Anh Châu Thanh Kiệt (38 tuổi ở xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh) cũng phát bệnh tâm thần cách đây gần 20 năm. Anh Kiệt cũng bị xích, cách ly nhiều năm, vì anh thường xuyên quậy phá, đi lang thang ngoài đường. Sau khi được vận động đưa vào BV điều trị, anh Kiệt được xếp vào nhóm can thiệp. Qua 2 tháng điều trị, uống thuốc đúng giờ, tham gia các liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội, tâm lý ổn định, anh Kiệt dần biết giao tiếp, vệ sinh cá nhân, nấu ăn, ca hát, làm các sản phẩm mỹ nghệ, đặc biệt anh rất thích làm vườn. Anh xuất viện từ tháng 10-2014. Trở về với gia đình, anh sống cởi mở hơn, tiếp tục thực hiện liệu pháp làm vườn, biết thương yêu giúp đỡ bố mẹ, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình.


Đây là 2 trong nhiều BN được BVCKTT vận động đưa về điều trị tại BV theo đề tài nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho BNTT phân liệt bị xích, cách ly và lang thang trong cộng đồng”. Đề tài triển khai từ tháng 9-2013 và đến tháng 3-2014 chính thức đưa BN
 

từ cộng đồng về điều trị. Sau hơn 1 năm triển khai đề tài, BV đã khám 143 lượt BN ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Trong đó, 117 BN được chẩn đoán bị tâm thần phân liệt. Số BN tham gia điều trị theo đề tài nghiên cứu là 77 người. Thời gian điều trị của mỗi BN kéo dài từ 2 - 4 tháng.


Đề tài nghiên cứu không chỉ hướng đến BN mà còn cả thân nhân của BN. Người nhà của những BN tham gia đề tài đều được mời đến BV tập huấn trong 5 ngày về các kỹ năng chăm sóc BN tại nhà, để họ nhận thấy sự cần thiết của việc điều trị cho BN, từ đó có cách chăm sóc phù hợp, hạn chế tình trạng xiềng xích, cách ly. Ông Châu Kịch (bố anh Kiệt) chia sẻ: “Trước đây, tôi không biết nên đối xử với con không đúng, thường xuyên chửi mắng con. Điều đó làm cho con tôi bức xúc, quậy phá nhiều hơn. Sau khi tham gia tập huấn, bác sĩ nói rõ hơn về bệnh này và hướng dẫn cách thức cụ thể, tôi mới thấy mình sai và ân hận lắm. Giờ tôi đã biết mình phải làm gì để giúp đỡ con rồi. Tôi sẽ cố gắng động viên con uống thuốc đều”.


Cần sự hợp tác của gia đình và chính quyền


Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, số BN tham gia đề tài nghiên cứu đã kết thúc liệu trình điều trị, phục hồi sức khỏe, ổn định tâm thần và trở về với gia đình. Trong 3 tháng đầu sau khi xuất viện, bác sĩ và cử nhân giáo dục đặc biệt của BV đã đến tận nhà BN mỗi tháng 1 lần để tiếp tục khám, theo dõi, đánh giá việc uống thuốc, cách thức chăm sóc của người nhà, sự tiến triển về sức khỏe, tâm lý, cảm xúc, các kỹ năng cho BN... Tiếp đó, công việc này được thực hiện mỗi quý 1 lần và kéo dài trong 1 năm.

 

Bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa đánh giá: Đề tài nghiên cứu của BVCKTT không chỉ có giá trị về chuyên môn mà còn mang tính nhân văn cao. Đề tài sẽ tác động đến gia đình, cộng đồng xã hội, giúp họ nhận thấy vai trò, trách nhiệm trong việc giúp BN tái hòa nhập cộng đồng. Đề tài này cũng khẳng định được bước đi mạnh dạn của việc phát triển khoa học kỹ thuật đối với chuyên ngành tâm thần ở Khánh Hòa. Sau khi đề tài kết thúc, có những đánh giá cụ thể, ngành Y tế sẽ đưa ra giải pháp can thiệp sâu, tiếp tục phát triển đề tài để kịp thời phát hiện, can thiệp, điều trị sớm, góp phần cải thiện cuộc sống BNTT.

Theo bác sĩ Nguyễn Ánh Chương, Trưởng khoa Nam (BVCKTT), BNTT phân liệt phải điều trị suốt đời. Do vậy, gia đình phải kiên nhẫn điều trị và quan tâm đến BN để duy trì kết quả điều trị tại BV. Trong thời gian đến thăm khám tại nhà, các bác sĩ nhận thấy gia đình nào quan tâm, chăm sóc BN tốt thì bệnh phục hồi nhanh. Gia đình nào khó khăn, lo làm ăn, chăm sóc không tốt, cho uống thuốc không đều, tiếp tục cách ly khiến tâm lý BN không ổn định, bệnh khó hết. Đây là khó khăn rất lớn khi cho BN điều trị trở về nhà. Vì thế, số BN tham gia đề tài nghiên cứu tuy có kết quả tốt, nhưng trong số họ được trở về cuộc sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích lâu dài vẫn còn khiêm tốn.


Theo số liệu của BVCKTT, toàn tỉnh hiện có 690 BNTT thuộc một trong ba dạng: xích, cách ly, đi lang thang. Số BN này hầu như chưa được tiếp cận điều trị, chăm sóc y tế một cách đầy đủ. Bác sĩ Đặng Duy Thanh, Giám đốc BVCKTT, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu trăn trở: “Tiếc rằng, hiện  nay nhiều gia đình không hợp tác, họ không đồng ý để chúng tôi đưa BN về BV điều trị. Người nhà đã làm mất cơ hội chữa trị tốt hơn cho BNTT. Với những BN chúng tôi điều trị khỏi, về nhà không được tạo điều kiện thực hiện các liệu pháp, hoặc chỉ cho uống thuốc thì khó có thể mang lại cảm xúc và kỹ năng cho BN, khiến bệnh dễ tái phát. Ngoài ra, chúng tôi rất cần sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương đối với BN, giúp họ có việc làm phù hợp sau khi xuất viện. Bên cạnh đó, phần lớn BNTT phân liệt có độ tuổi khá lớn, trung bình khoảng 40 tuổi, đã bị bệnh lâu năm, độc thân, không có ai chăm sóc sau điều trị. Đây cũng là khó khăn trong việc đưa BN sau điều trị trở về nhà”.


Duy Anh Thư