Mắc bệnh động mạch vành dễ dẫn đến đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim… Các triệu chứng này nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong hoặc tàn phế suốt đời.
Mắc bệnh động mạch vành (ĐMV) dễ dẫn đến đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim… Các triệu chứng này nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong hoặc tàn phế suốt đời.
Thực hiện cấp cứu đặt stent cho bệnh nhân Trần N |
Tiến sĩ, bác sĩ (BS) Huỳnh Văn Thưởng, Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh ĐMV (hay tên gọi khác như suy động mạch vành, thiếu máu cơ tim, thiểu năng vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ…) là tình trạng bệnh lý làm cho lòng ĐMV bị hẹp lại hoặc tắc nghẽn. Nguyên nhân phần lớn là do xơ vữa động mạch. Khi lòng ĐMV bị hẹp đến một mức độ nào đó thì dòng máu đến nuôi tim sẽ không đủ và dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim. Hậu quả là bệnh nhân bị suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim… Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tàn phế và tử vong trong thời gian rất ngắn.
Giữa tháng 12-2014, Khoa Tim mạch can thiệp, BV Đa khoa tỉnh đã cứu sống bệnh nhân Trần N. (39 tuổi, Vĩnh Nguyên, Nha Trang) bị ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, nhịp tim rất thấp, huyết áp bằng không, được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp nặng, khả năng tử vong cao. Sau hội chẩn, ê-kíp BS Khoa Tim mạch can thiệp của BV đã quyết định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời kết hợp thực hiện chụp mạch vành. Kết quả phát hiện có huyết khối gây tắc hoàn toàn ĐMV phải, ĐMV trái hẹp nặng 90%. Ê-kíp BS của Khoa đã nhanh chóng hút khối huyết gây tắc và can thiệp đặt stent cấp cứu bệnh nhân. Qua 2 ngày điều trị, huyết áp, nhịp tim của bệnh nhân trở lại bình thường và xuất viện sau đó 1 tuần.
Trước đó, bệnh nhân L.C.N (57 tuổi, trú đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Nha Trang) nhập BV Đa khoa tỉnh trong tình trạng đau ngực trái dữ dội, vã mồ hôi, người mệt, tím tái, thở ngáp, mạch, huyết áp không đo được. Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp vùng hoành và thất phải, biến chứng rung thất - ngưng tim, các BS Khoa Tim mạch can thiệp đã tiến hành vừa cấp cứu hồi sức ngưng tuần hoàn hô hấp, vừa chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu. Kết quả sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân khỏe và ra viện.
2 trường hợp trên là hậu quả của bệnh hẹp, tắc ĐVM nặng đã được các BS Khoa Tim mạch can thiệp, BV Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời.
Theo Tiến sĩ, BS Huỳnh Văn Thưởng, yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ĐMV gồm yếu tố nguy cơ không thay đổi được và thay đổi được. Những yếu tố nguy cơ không thay đổi được là: tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ bị bệnh ĐMV; nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới; nữ giới có nguy cơ mắc cao hơn sau khi mãn kinh; tiền sử gia đình có bố mẹ, anh chị bị tai biến tim mạch khi còn trẻ tuổi (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi). Những yếu tố nguy cơ như: hút nhiều thuốc lá, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, uống quá nhiều rượu, bia, bị căng thẳng kéo dài, ít vận động, thừa cân béo phì… là những yếu tố có thể thay đổi được nếu người bệnh tích cực thay đổi lối sống.
Từ năm 2009, Khoa Tim mạch can thiệp, BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thành công và cứu sống nhiều ca bị hẹp hoặc tắc lòng ĐMV nặng bằng các phương pháp điều trị trên. Đến nay, Khoa đã điều trị can thiệp hơn 4.000 ca, trong đó, chụp động mạch vành: 2.870 ca, can thiệp động mạch vành hơn 1.850 ca. |
Hiện nay, có 3 phương pháp chính điều trị bệnh ĐMV là điều trị nội khoa bằng thuốc, có thể dùng một hoặc nhiều loại kết hợp với nhau. Phương pháp này có thể làm giảm các triệu chứng nhưng không giải quyết được nguyên nhân hẹp lòng ĐMV. Điều trị ngoại khoa là mổ làm cầu nối chủ - vành. Với phương pháp này, vùng cơ tim bị thiếu máu sẽ được cung cấp máu bởi một mạch máu khác vòng qua chỗ động mạch vành bị hẹp hoặc tắc. Phương pháp tim mạch can thiệp là can thiệp ĐMV qua da (đặt stent). Phương pháp này không phải mổ, vừa làm giảm triệu chứng vừa giải quyết được nguyên nhân hẹp lòng ĐMV. Theo BS Thưởng, dù bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp nào thì việc sử dụng tiếp các thuốc là hết sức cần thiết để duy trì kết quả sau thủ thuật.
Để phòng ngừa bệnh động mạch vành, theo lời khuyên của các BS, người bệnh không được hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, thực hiện các chế độ ăn với nhiều trái cây, rau, đậu, thức ăn ít béo, duy trì cân nặng lý tưởng, khám bệnh định kỳ, tránh stress.
T.L