10:12, 02/12/2014

Phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em: Vấn đề thách thức

Những năm qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở miền núi đã được các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở những địa phương này vẫn giảm chậm.

Những năm qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em ở miền núi đã được các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tỷ lệ SDD trẻ em ở những địa phương này vẫn giảm chậm.

 

Điều tra dinh dưỡng trẻ em tại xã Liên Sang.
Điều tra dinh dưỡng trẻ em tại xã Liên Sang


Giảm chậm


Cân đo hàng năm tại Trạm Y tế xã Liên Sang - huyện Khánh Vĩnh, hai đứa con của chị Cao Thị Liễu ở thôn Chà Liên luôn ở trong nhóm SDD nặng cả 2 thể nhẹ cân và thấp còi. Cháu Pi Năng Mơ Khanh 4 tuổi rưỡi cân nặng chưa tới 13kg và chiều cao mới hơn 92cm. Còn cháu Pi Năng Bảo Nam hơn 3 tuổi cũng chỉ được 10,4kg và chiều cao 85cm. Chị Liễu cho biết, chị sinh cháu Khanh được 6 tháng thì mang bầu cháu Nam. Trong thời kỳ mang thai bị SDD bào thai. “Hai cháu SDD gia đình cũng rất lo lắng. Tôi cũng mua tôm, thịt bò cho con ăn theo hướng dẫn nhưng các cháu vẫn ốm yếu mãi”, chị Liễu chia sẻ.


Trong đợt cân đo dinh dưỡng vừa qua tại xã Liên Sang, toàn xã có hơn 190 trẻ dưới 5 tuổi được cân đo, trong đó có gần 60 trẻ bị SDD thể cân nặng, chiếm 28,5% và 66 trẻ SDD thể thấp còi, chiếm 33,5%. Qua điều tra dinh dưỡng, việc nắm kiến thức nuôi con của phần lớn các bà mẹ ở xã Liên Sang nằm trong mức tương đối. Tuy nhiên, tỷ lệ SDD vẫn còn cao. Chị Lê Thị Minh Thủy, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Liên Sang cho biết: Những năm qua, hàng tháng, hàng quý Trạm đều tập huấn cách nuôi con cho các bà mẹ, tổ chức thực hành bữa ăn mẫu mỗi năm 2 lần. Họ nắm được kiến thức, nhưng kinh tế thiếu thốn nên không nấu cho trẻ ăn như hướng dẫn. Mỗi năm 2 lần Trạm có cấp phát sản phẩm dinh dưỡng như bột, sữa... nhưng sau đó hàng ngày trẻ vẫn thiếu ăn, nên tỷ lệ SDD giảm chậm.


Theo số liệu tổng cân đo năm 2014 của ngành Y tế, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi trung bình toàn tỉnh ở thể cân nặng chiếm 9,48% và thể thấp còi 11,16%. Tuy nhiên, tính riêng các địa phương miền núi, tỷ lệ này rất cao. Huyện Khánh Vĩnh, SDD cân nặng 33,06% và thấp còi 37,57%; huyện Khánh Sơn, SDD cân nặng 32,55% và thấp còi 47,62%.


Chị Nguyễn Thị Yến - cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh cho rằng, qua các đợt điều tra dinh dưỡng, kiến thức nuôi con của các bà mẹ có phần tiến bộ. Tuy nhiên, từ nhận thức chuyển đổi sang hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm. Không chịu khó khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ để cải thiện bữa ăn cho trẻ. Họ vẫn cho con ăn cháo trắng, đưa con lên rẫy, rồi vệ sinh cho trẻ rất kém, trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, sốt, bệnh tật càng làm trẻ dễ SDD. Ngoài ra, ảnh hưởng khói thuốc lá từ ông bà, cha mẹ, ít nhiều cũng làm cho trẻ chậm lớn.


Thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai, ưu tiên nhiều chương trình phòng, chống và phục hồi SDD cho các địa phương miền núi, cụ thể: tuyên truyền, tổ chức thực hành bữa ăn mẫu, phát cháo dinh dưỡng; cấp bột và các sản phẩm dinh dưỡng như trứng, sữa... Ngoài ra, có một số dự án, điển hình là Dự án A&T phục hồi SDD cho trẻ dưới 18 tháng... Thế nhưng, tỷ lệ SDD trẻ em miền núi vẫn giảm chậm, chỉ trên dưới 1% mỗi năm. Thực tế từ trước đến nay, công tác phòng, chống SDD trẻ em miền núi phần lớn tập trung vào SDD thể nhẹ cân, chứ chưa quan tâm đúng mức đến SDD thể thấp còi. Vì vậy, theo kết quả điều tra những năm gần đây, tình trạng SDD thấp còi ở trẻ em khu vực này luôn chiếm tỷ lệ rất cao, có những xã trên 50%.


Cần quan tâm hơn đến suy dinh dưỡng thấp còi


Theo đánh giá của bác sĩ Lê Trung Hải, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng dinh dưỡng - Trung tâm YTDP tỉnh, phục hồi SDD cân nặng đã khó, phục hồi SDD thấp còi càng khó khăn hơn. Bởi muốn cải thiện chiều cao, ngoài việc đáp ứng các chất đường, bột, chất đạm, chất béo... còn cần cung cấp đủ các khoáng chất như: canxi, phốt pho, magie... và các vitamin như A, B, C, D nhằm thúc đẩy sự phát triển của tế bào xương, nhằm tăng chiều cao. Việc bổ sung các dưỡng chất nói trên phải thường xuyên qua các bữa ăn hàng ngày, với đồng bào miền núi khó có thể đáp ứng được nhu cầu này.

 

Theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng quốc gia: Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164cm, kém 8cm so với người Nhật và 10cm so với Hàn Quốc. Thậm chí còn thấp hơn Lào, Campuchia. Người Việt được đánh giá thấp nhất khu vực châu Á. Tỷ lệ SDD thấp còi trên cả nước chiếm gần 26%.

Hàng năm, vào ngày vi chất dinh dưỡng 1-6 và 1-12, Ngành Y tế tỉnh đều triển khai các hoạt động truyền thông và cho trẻ dưới 36 tháng tuổi uống vitamin A liều cao. Đối với trẻ miền núi, bữa ăn hàng ngày phần lớn không đủ 4 nhóm chất thiết yếu, chỉ uống bổ sung vitamin A là chưa đủ. Do đó, việc phục hồi và phòng, chống SDD thể thấp còi cho trẻ em ở các địa phương này quả là một thách thức. “SDD thể thấp còi ở khu vực miền núi cao không chỉ do thiếu hụt dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng, còn do tình trạng tảo hôn dẫn đến mang thai, sinh con sớm. Khi cơ thể bố mẹ chưa phát triển toàn diện, các thế hệ sau ra đời cũng ít cải thiện được về thể lực, tầm vóc”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.


Như vậy, muốn phục hồi nâng cao thể trạng cho trẻ em khu vực miền núi, điều quan trọng vẫn là giảm sinh, giải quyết tình trạng tảo hôn, sinh con sớm, phát triển kinh tế... để các gia đình có điều kiện thực hành dinh dưỡng theo kiến thức đã được tuyên truyền trong nhiều năm qua.


Duy Anh Thư