11:11, 19/11/2014

Bùng phát dịch bệnh tay, chân, miệng

Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh tay, chân, miệng gia tăng trên địa bàn huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa. Hiện nay, 7/8 xã, thị trấn của huyện (trừ xã Ba Cụm Nam) đã phát hiện có bệnh nhân mắc bệnh này.

Thời gian gần đây, số bệnh nhân (BN) mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) gia tăng trên địa bàn huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa. Hiện nay, 7/8 xã, thị trấn của huyện (trừ xã Ba Cụm Nam) đã phát hiện có BN mắc bệnh này.

 

Nhân viên y tế đang phun độc khử trùng tại Trường Mầm non 1-6.
Nhân viên y tế đang phun độc khử trùng tại Trường Mầm non 1-6.


Phát hiện 9 ổ dịch ở cộng đồng


Theo báo cáo của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Khánh Sơn, đến ngày 18-11, toàn huyện có 176 BN mắc bệnh TCM (tăng khoảng 100% so với cùng kỳ năm 2013). Tổng cộng có 9 ổ dịch đã được phát hiện ở cộng đồng và các trường mầm non tại thời điểm cuối tháng 10. Số BN mắc bệnh ngày càng tăng cao. Cụ thể, trong tháng 8 và 9 chỉ phát hiện 9 BN, nhưng tháng 10 đã tăng lên 46 BN, riêng từ đầu tháng 11 đến nay đã có hơn 50 BN nhập viện được xác định mắc bệnh TCM. Theo bác sĩ Đinh Thị Hiếu Hạnh, Trưởng khoa Nội nhi lây, TTYT Khánh Sơn, đến ngày 18-11, hầu hết BN TCM đều ở mức độ 1 (chỉ loét miệng và tổn thương da), đã được điều trị khỏi và ra viện. Tuy nhiên, có 1 trường hợp ở mức độ 2a (sốt trên 2 ngày, lừ đừ, hay giật mình...) và 1 BN đã biến chứng nặng, phải chuyển lên tuyến trên điều trị. “Hiện nay, chúng tôi gặp khó khăn trong việc theo dõi diễn biến bệnh lý của các cháu, do một số phụ huynh tự ý đưa con về nhà, dẫn đến nguy cơ bệnh lây lan rộng trong cộng đồng”, bác sĩ Hạnh nói.


Ban đầu, các ổ dịch được xác định bùng phát tại các xã: Sơn Lâm, Sơn Bình, sau đó lây lan xuống khu vực cánh Đông của huyện. Điều đáng lo ngại là nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan, lơ là, vẫn cho con đến lớp khi bị TCM, làm lây lan sang các cháu khác. Theo bà Ngô Thị Trúc Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1-6, đến ngày 18-11, trường có 2 cháu (ở lớp từ 18 - 24 tháng tuổi) mắc TCM và 3 cháu nghi ngờ mắc bệnh. Ngày nào, TTYT dự phòng cũng phun thuốc tiêu độc khử trùng các lớp học. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của con em mình. Nếu thấy cháu nào nghi ngờ bị TCM phải đi khám ngay và không đưa đến lớp. Đối với những trẻ đã mắc bệnh, chúng tôi liên lạc với phụ huynh để nắm bắt tình hình”, bà Linh cho biết.


Khó khăn trong công tác dập dịch


Ông Lê Hữu Thọ, Đội phó Đội Y tế dự phòng, TTYT huyện Khánh Sơn cho biết, ngay khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, đội đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng, dập dịch theo quy định của Bộ Y tế, tổ chức tiêu độc khử trùng cả những vùng có nguy cơ bùng phát dịch. Đến nay, tại một số xã như: Sơn Bình, Sơn Lâm, số BN đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, tại khu vực cánh Đông của huyện (trong đó có thị trấn Tô Hạp), số ca nhập viện do TCM vẫn gia tăng. “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng phát dịch TCM trên địa bàn, nhưng chủ yếu do người dân chưa thật sự quan tâm phòng tránh bệnh cho con em mình; mặt khác do thời tiết thất thường. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn kém. Ngoài ra, còn do tính chu kỳ, 2 - 3 năm lại bùng phát dịch”, ông Thọ nói.


Có thể nói, tình hình dịch bệnh TCM tại Khánh Sơn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó khống chế. “Do nguồn nhân lực mỏng và kinh phí hạn hẹp, các cấp chính quyền và đoàn thể một số nơi chưa thực sự quan tâm vào cuộc hỗ trợ ngành Y tế dập dịch nên quá trình đối phó với dịch bệnh tại địa phương gặp khó khăn”, bác sĩ Lê Quang Thi, Phó Giám đốc TTYT Khánh Sơn cho biết. Cũng theo bác sĩ Thi, Trung tâm đã ban hành văn bản huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên ngành Y tế từ huyện xuống xã, kể cả y tế thôn bản vào cuộc, đồng thời đề nghị các tổ chức đoàn thể quan tâm hỗ trợ cơ quan chuyên môn dập dịch. Những ngày tới, Đội Y tế dự phòng, TTYT Khánh Sơn tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh trong nhân dân. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn và các trường tổ chức tiêu độc khử trùng tại những khu vực có BN và vùng có nguy cơ cao nhằm góp phần sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh TCM trong cộng đồng.


Đinh Luận