07:11, 14/11/2014

Bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt có xu hướng gia tăng

Hiện nay, xu hướng sử dụng bột nêm thay cho muối I-ốt đang làm gia tăng bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Châu - Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh cho biết:

Hiện nay, xu hướng sử dụng bột nêm thay cho muối I-ốt đang làm gia tăng bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Châu - Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh Khánh Hòa cho biết:

 


- Tình trạng thiếu hụt I-ốt vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Với các chiến lược và biện pháp khác nhau, các quốc gia vẫn đang quan tâm và duy trì việc bảo đảm cung cấp I-ốt cho người dân để phòng, chống các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra.


Ở Việt Nam, trước năm 1994, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 10 tuổi khoảng 22,4%. Từ năm 1995, Chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu I-ốt được triển khai trên toàn quốc bằng cách bổ sung I-ốt qua muối đã thu được kết quả tốt. Tỷ lệ sử dụng muối I-ốt và số lượng người dân hiểu biết về tác dụng của muối I-ốt ngày càng tăng. Theo kết quả tổng điều tra toàn quốc năm 2005, tỉ lệ bướu cổ trẻ em giảm xuống dưới 5%. Độ bao phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt hơn 92%, mức trung vị I-ốt niệu là >10mcg/dl và <20 mcg/dl. Năm 2005, Việt Nam được công nhận hoàn thành mục tiêu thanh toán các rối loạn do thiếu I-ốt trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Khánh Hòa.


Năm 2005, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt đã chấm dứt. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, từ năm 2006, chương trình vẫn được triển khai thường xuyên ở Khánh Hòa.


- Bác sĩ có thể cho biết các hoạt động cụ thể của chương trình này tại Khánh Hòa?


- Các huyện, xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số được trợ giá về muối I-ốt; có sự hỗ trợ về kinh phí, chuyên môn của Sở Y tế. Hàng năm, Trung tâm Nội tiết tỉnh tổ chức hàng chục đợt khám bệnh bướu cổ cho hàng ngàn lượt người trên địa bàn tỉnh. Song song đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức việc giám sát muối I-ốt trên thị trường và việc sử dụng muối I-ốt tại hộ gia đình cũng như tại các nhà máy sản xuất muối I-ốt trong tỉnh.


Việc quản lý chất lượng I-ốt trộn trong muối ăn cung cấp cho thị trường tại các nhà máy sản xuất muối I-ốt tại tỉnh cũng được tăng cường. Qua kiểm tra, hầu hết muối I-ốt được sản xuất tại các nhà máy đều đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn phòng bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Bao bì đẹp, muối I-ốt trắng, sạch, được bán rộng rãi trong cộng đồng với giá cả phù hợp nên được người dân hưởng ứng sử dụng. Nhờ thế, công tác phòng bệnh tại các địa phương đạt được kết quả tích cực. Giám sát hàng năm cho thấy số hộ sử dụng muối I-ốt trong tỉnh đạt tiêu chuẩn phòng bệnh đạt trên 90%; tỷ lệ mắc bệnh bướu cổ ở trẻ em từ 8 - 10 tuổi dưới 5% (đạt mục tiêu đề ra).


- Bên cạnh những mặt thuận lợi trên, công tác này có gặp khó khăn gì khi hiện nay các hộ gia đình có xu hướng sử dụng bột nêm thay muối I-ốt, thưa bác sĩ?


- Hiện nay, các hộ gia đình, nhất là ở thành phố đang có xu hướng sử dụng bột nêm (không có I-ốt hoặc có nhưng không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh) ngày càng nhiều, ít sử dụng muối I-ốt nên tỷ lệ mắc bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt đang có xu hướng gia tăng.


Ngoài ra, công tác tuyên truyền về phòng bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt còn nhiều hạn chế từ Trung ương đến địa phương, việc truyền thông không được thực hiện thường xuyên, liên tục... Vì vậy, sự nhận thức và hiểu biết đầy đủ của người dân về tác dụng phòng bệnh của I-ốt hiện nay chỉ đạt 75 - 80% (so với mục tiêu là trên 95%). Bệnh viện Nội tiết Trung ương không cấp đủ và kịp thời hóa chất KIO3 để sản xuất muối I-ốt cho các nhà máy sản xuất muối I-ốt trong tỉnh cũng là một trong những khó khăn mà chương trình đang gặp phải.


- Theo bác sĩ, để giải quyết những vấn đề trên, Trung tâm Nội tiết tỉnh đã có những giải pháp gì?


- Thời gian tới, Trung tâm Nội tiết tỉnh sẽ tham mưu cho Sở Y tế tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt trong cộng đồng dân cư. Đối với tuyến Trung ương, Trung tâm đang đề nghị cung cấp hóa chất KIO3 thông qua hình thức xã hội hóa (mua hóa chất chứ không bao cấp như hiện nay) tùy theo năng lực sản xuất muối I-ốt của từng nhà máy. Tiếp tục duy trì công tác giám sát chất lượng muối I-ốt ở 3 khâu: sản xuất ở nhà máy, lưu thông trên thị trường và sử dụng muối ở hộ gia đình nhằm bảo đảm chất lượng I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh cho nhân dân.


Để không bị mắc bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt, các gia đình, người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em cần tích cực sử dụng muối I-ốt trong bữa ăn hàng ngày.


- Xin cảm ơn bác sĩ!


THẢO LY (Thực hiện)