Que cấy tránh thai được nhiều người dân ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lựa chọn, bởi đây là biện pháp tránh thai mang lại hiệu quả cao, phù hợp với cuộc sống của họ. Do số lượng ít nên mới chỉ giải quyết được một phần nhu cầu của người dân.
Que cấy tránh thai được nhiều người dân ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lựa chọn, bởi đây là biện pháp tránh thai mang lại hiệu quả cao, phù hợp với cuộc sống của họ. Do số lượng ít nên mới chỉ giải quyết được một phần nhu cầu của người dân.
Thuận tiện
Chị Cao Thị Nghiễn ở xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh có 2 đứa con. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chị không muốn sinh thêm nên đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Tuy nhiên, chị cảm thấy không an tâm với viên uống tránh thai hàng ngày vì lúc nhớ lúc quên. Vì thế, chị KHHGĐ bằng que cấy tránh thai theo sự tư vấn của cộng tác viên dân số (DS). “Có khi đi rẫy mấy ngày mới về nên không nhớ mang thuốc tránh thai theo, giờ có loại que cấy tránh thai mới với thời gian tránh thai 4 năm nên tôi an tâm dùng. Lúc đầu hơi lo nhưng khi cấy rồi thấy cũng bình thường, không ảnh hưởng gì tới sức khỏe” - chị Nghiễn cho biết.
Chị Cao Thị Phương ở thị trấn Khánh Vĩnh sau khi thực hiện cấy tránh thai cũng cho hay, chị quyết định dùng que cấy tránh thai khi đã sinh đứa con đầu để sau 4 năm mới sinh thêm đứa nữa. “Nếu cấy tránh thai lần này hợp với sức khỏe thì sau này dù không được bao cấp nữa, tôi cũng cố gắng cấy theo dịch vụ cho tiện” - chị Phương chia sẻ.
Phụ nữ khám sàng lọc trước khi cấy tránh thai. |
Bà Huỳnh Thị Hiên, Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Tổng cục DS-KHHGĐ vừa tập huấn cho cán bộ DS khu vực miền Trung - Tây Nguyên để hướng dẫn cho người dân sử dụng que cấy tránh thai Femplant. Que cấy này đã được sử dụng trên 20 quốc gia và mới được đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Femplant là que cấy tránh thai nội tiết, đạt hiệu quả tránh thai 99%, thời hạn tránh thai kéo dài được 4 năm, hơn 1 năm so với các loại que cấy cũ, giá thành lại thấp hơn.
Trong chương trình thực hiện thí điểm que cấy tránh thai mới Femplant, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chọn huyện Khánh Vĩnh để triển khai vì theo bà Hiên, các địa phương miền núi, trong đó có Khánh Vĩnh có mức sinh cao nên nhu cầu tránh thai của người dân cao. Mặt khác, trình độ dân trí của một số đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa ý thức được vấn đề KHHGĐ nên dẫn đến sinh đẻ nhiều. Việc vận động áp dụng và sử dụng biện pháp tránh thai đúng cách đối với bà con cũng không dễ, vì đã xảy ra trường hợp bị vỡ kế hoạch do không biết áp dụng biện pháp tránh thai. Do vậy, que cấy tránh thai là một giải pháp tương đối an toàn, thuận tiện và phù hợp, được người dân đồng ý sử dụng nhiều.
Cung ít hơn cầu
Do hạn chế về nhận thức nên các biện pháp tránh thai như: viên uống tránh thai, bao cao su ít hiệu quả đối với người dân miền núi, trong khi những biện pháp bền vững như triệt sản rất khó vận động. Việc đặt vòng tránh thai lại gặp khó khăn do điều kiện vệ sinh kém, tình trạng viêm nhiễm phụ khoa cao, phụ nữ lao động nặng nhọc dễ bị lệch vòng. Ông Đặng Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Vĩnh cho biết, Trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp tránh thai nhưng ít hiệu quả, vì thế mức sinh của huyện còn cao. Qua quá trình thực hiện, Trung tâm nhận thấy chỉ có que cấy tránh thai là phù hợp với người dân địa phương. Tuy nhiên, do chương trình mục tiêu cắt giảm, số lượng que cấy cung cấp về rất ít. Mới đây, huyện được hỗ trợ 70 que cấy, nhưng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Sơn cũng cho biết, phụ nữ dân tộc thiểu số rất thích biện pháp tránh thai này, nhưng hàng năm que cấy chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Thực hiện que cấy dịch vụ thì người dân khó có khả năng chi trả (giá dịch vụ hơn 2 triệu đồng/ca). “Những trường hợp muốn cấy tránh thai mà chờ lâu quá chưa cấp thì người ta lại sinh con tiếp. Đó là khó khăn của chúng tôi” - chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh) cho biết.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, 9 tháng qua, việc áp dụng biện pháp tránh thai bằng que cấy vượt kế hoạch cao nhất. Tỷ lệ cấy tránh thai trong 9 tháng đạt 117% so với kế hoạch và đạt 114% so với cùng kỳ. Được biết, chi phí que cấy tránh thai và các dịch vụ thực hiện que cấy cao hơn nhiều so với những biện pháp khác, trong khi ngân sách hạn hẹp. Chính vì vậy, Chi cục chỉ ưu tiên cấp que cấy miễn phí cho những vùng khó khăn. Trước mắt, ngành DS thực hiện các biện pháp tuyên truyền để bà con chọn biện pháp tránh thai hiệu quả, ít tốn kém. Tuy nhiên, những địa phương có tỷ suất sinh cao, chất lượng DS thấp, những trường hợp đông con, khó áp dụng biện pháp tránh thai khác thì que cấy tránh thai cần được ưu tiên chọn lựa. “Mỗi năm chương trình mục tiêu quốc gia chỉ cấp cho Khánh Hòa 300 que cấy, số lượng này quá ít so với nhu cầu. Do vậy, chúng tôi mong các cấp chính quyền, các ngành và người dân cần chung tay thực hiện xã hội hóa biện pháp tránh thai này, bằng nhiều hình thức như chi trả hoàn toàn hoặc Nhà nước và người dân cùng chi trả, kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ que cấy, còn người dân chi trả phí dịch vụ” - bà Hiên chia sẻ.
Lưu Khánh