06:10, 31/10/2014

Phòng tránh bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương là một trong những bệnh thường gặp nhất ở tuổi trên 50 tuổi, do sự mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương.
 

Bệnh loãng xương là một trong những bệnh thường gặp nhất ở tuổi trên 50 tuổi, do sự mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương.  
 
Các chuyên gia y tế khuyên người gia nên ăn nhiều rau xanh
Các chuyên gia y tế khuyên người già nên ăn nhiều rau xanh
 
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Hải Bình, Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, có 2 bệnh mà người già hay gặp nhất là bệnh loãng xương và thoái hóa khớp. Trong đó, bệnh loãng xương là một trong những bệnh thường gặp nhất ở tuổi trên 50 tuổi do sự mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương trong đó quá trình hủy xương chiếm ưu thế. Các biểu hiện của loãng xương là đau dọc các xương dài, đau cột sống, gù vẹo cột sống, gãy xương…
 
Loãng xương là một tình trạng giảm khối lượng xương và tổn thương vi cấu trúc của mô xương gây hậu quả xương trở nên giòn và dẫn tới gãy xương.
 
Nguyên nhân loãng xương
 
Loãng xương nguyên phát (chiếm khoảng 80%) gồm loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và loãng xương do tuổi già. Ngoài ra, nếu đi lại, vận động nhiều, người già sẽ thấy đau nhức và chiều cao dần dần bị thấp đi.
 
Loãng xương sau mãn kinh là loãng xương xuất hiện sau tuổi mãn kinh trong vòng 6 hoặc 8 năm, tổn thương loãng xương nặng ở phần xương xốp do đó thường thấy các biểu hiện ở cột sống như lún đốt sống, gù, còng, gẫy đầu dưới xương quay.
 
Loãng xương tuổi già xuất hiện ở cả nam và nữ, thường trên 70 tuổi với tỷ lệ nữ với nam là 2/1. Đây là hậu quả của sự mất xương từ từ trong nhiều năm do ở người già có sự mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương. Biểu hiện gãy xương hay gặp là gãy cổ xương đùi, gãy lún đốt sống do tổn thương xuất hiện đồng đều trên xương đặc (xương vỏ) cũng như xương xốp (xương bè).
 
Loãng xương thứ phát (bệnh này chiếm khoảng 20%): loãng xương liên quan đến những bệnh lý, những yếu tố có thể gây ra hậu quả loãng xương. Kiểu loãng xương này có thể thấy ở mọi lứa tuổi. Những bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến mật độ xương: cường giáp, sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, suy sinh dục, cắt tử cung buồng trứng sớm, cắt dạ dày ruột, viêm loét dạ dày ruột, liệt nửa người, đái thoái đường, các bệnh khớp mạn tính, dinh dưỡng kém… Đặc biệt, bệnh loãng xương hay gặp ở những người phải điều trị kéo dài bằng glucocorticoid, heparin, thuốc chống co giật…
 
Dấu hiệu của loãng xương
 
Tình trạng mất xương thường biểu hiện rất âm thầm, chỉ khi có trọng lượng xương mất đi 30 - 40% mới có biểu hiện trên lâm sàng như: đau dọc các xương dài, đau cột sống, gù vẹo cột sống, gãy xương, xẹp lún đốt sống…
 
Gãy xương là một biến chứng nặng nề của loãng xương, chúng không chỉ gây đau đớn cho người bệnh mà còn tổn hại về kinh tế, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm tình trạng loãng xương là rất quan trọng.
 
Nhưng người có yếu tố của loãng xương gồm: người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, cắt tử cung buồng trứng, tiểu sử bản thân và trong gia đình có người dễ bị gãy xương, nằm bất động kéo dài, trọng lượng cơ thể thấp, có bệnh lý mạn tính…
 
Cách phòng tránh bệnh loãng xương
 
Việc phòng tránh bệnh loãng xương là một quá trình, không chỉ tác động riêng một yếu tố nào mà phải phối hợp tác động nhiều yếu tố cùng một lúc, đặc biệt là những yếu tố nguy cơ gây mất xương.
 
Để phòng ngừa bệnh loãng xương, chúng ta cần có một chế độ tập luyện thể dục, lối sống, dinh dưỡng hợp lý cũng như bổ sung calci, vitamin D, hormon…
 
Các chuyên gia y tế khuyên: Tập luyện và chế độ ăn uống đối với người bị bệnh loãng xương đóng vai trò rất quan trọng. Nó không có một công thức nhất định cho tất cả mọi người, bởi vì mỗi người lại có một đặc điểm riêng, do đó nó không có một công thức riêng.
 
Chẳng hạn về tập luyện, bệnh thoái hóa khớp hay bệnh loãng xương ở người già 60 tuổi, chúng ta không khuyên họ đi bộ nhiều mặc dù vẫn biết đi bộ tốt cho tim mạch và giảm cân. Nhưng nếu đi bộ nhiều sẽ là một tình trạng thoái hóa nặng nề hoặc làm cho xương gãy rất nguy hiểm. Cho nên chúng ta khuyên người già nên đi xe đạp vì khi đi xe đạp, sức nặng dồn lên yên chứ không dồn lên khớp gối và chân. Ngoài ra, loãng xương cần tránh những động tác cúi xuống vì nó có nguy cơ làm lún xẹp đốt sống hoặc thoát vị đĩa đệm. Vì thế, việc tập luyện môn thể thao phù hợp với cơ địa bệnh nhân là rất cần thiết.
 
“Về dinh dưỡng, chúng tôi thường khuyên người già nên ăn nhiều rau xanh, vitamin, khoáng chất và hạn chế ăn các thức ăn mỡ, nhiều tinh bột, thịt quá và đường quá mức”, bác sĩ Bùi Hải Bình khuyên.
 
Điều trị loãng xương
 
Mục tiêu chính của điều trị loãng xương là phòng chống nguy cơ gãy xương do loãng xương và ngăn chặn tình trạng mất chất khoáng trong xương. Bởi vậy, bên cạnh những biện pháp phòng mất xương, người bệnh phải dùng thuốc. Tuy nhiên, phác đồ điều trị cho mỗi người bệnh phải do bác sĩ chỉ định, không nên tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng đơn thuốc sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý các biện pháp phòng gãy xương do loãng xương, tăng cường tập luyện và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ (nạng, nẹp thắt lưng).
 
Trong trường hợp gãy cổ xương đùi hay các xương ngoại vi cũng cần được điều trị ngoại khoa hoặc bó bột như các trường hợp gãy xương không phải do loãng xương./.
 
Theo VOV