08:09, 19/09/2014

Sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên địa bàn tỉnh đã tương đối hoàn tất. Dự kiến đợt 1, toàn tỉnh sẽ có khoảng 74.000 trẻ được tiêm vắc xin sởi - rubella.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên địa bàn tỉnh đã tương đối hoàn tất. Dự kiến đợt 1, toàn tỉnh sẽ có khoảng 74.000 trẻ được tiêm vắc xin sởi - rubella.


Hoàn tất công tác chuẩn bị


Những ngày này, tại Trạm Y tế (TYT) xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, các công đoạn chuẩn bị cho đợt 1 (dành cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, diễn ra từ ngày 22-9 đến 15-10) chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí cho trẻ từ 1 - 14 tuổi đang gấp rút hoàn thành. Băng rôn, khẩu hiệu, bảng hướng dẫn lịch tiêm, những lưu ý dành cho các bà mẹ sau khi tiêm được treo, dán trước cổng TYT. Công tác sàng lọc đối tượng, giấy mời có kèm thêm thông tin về chiến dịch đã được gửi đến các gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trạm đã phối hợp với xã tuyên truyền liên tục về chiến dịch trên các phương tiện truyền thanh...


Y sĩ Huỳnh Thúy Phượng - Trưởng TYT xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Ngay khi nhận được kế hoạch, giữa tháng 8, xã đã họp Ban chỉ đạo, lập kế hoạch triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đến nay, công tác chuẩn bị cho đợt 1 đã hoàn thành. Ngày 22-9, Vĩnh Thạnh là xã điểm của TP. Nha Trang triển khai chiến dịch đầu tiên. Theo kế hoạch, có khoảng 200 trẻ của Trường Mầm non Vĩnh Thạnh được tiêm trong đợt này. Từ ngày 23 đến 26-9, trạm sẽ tổ chức tiêm cuốn chiếu cho 528 trẻ còn lại ở xã”. Để đảm bảo cho công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, trạm đã thành lập Tổ cấp cứu tại chỗ với 3 thành viên, trong đó có 1 bác sĩ.

 

Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất bệnh sởi và rubella.
Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất bệnh sởi và rubella.


Đến đầu tháng 10 mới triển khai nhưng công tác chuẩn bị cho chiến dịch này ở xã Cầu Bà (Khánh Vĩnh) hiện cũng đã hoàn tất. Các băng rôn được treo tại TYT và các điểm tiêm, nội dung tuyên truyền về chiến dịch được phát thường xuyên trên loa phát thanh của xã. Trang thiết bị, nhân lực, công tác điều tra, sàng lọc đối tượng, thành lập tổ cấp cứu tại chỗ đã được thực hiện xong. Theo kế hoạch, từ ngày 1 đến 20-10, xã sẽ triển khai tiêm đợt 1 cho 291 trẻ từ 1 đến 5 tuổi.


Đảm bảo an toàn tiêm chủng

 

Những trẻ mắc các bệnh cấp tính, nhất là các bệnh nhiễm trùng, trẻ sốt trên 37,50C sẽ được tạm hoãn tiêm vắc xin. Vắc xin sởi - rubella là vắc xin an toàn, thông thường sau khi tiêm trẻ có phản ứng nhẹ như sốt, nổi ban rải rác và tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ có các biểu hiện khác thường sau tiêm như: sốt cao trên 380C, quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở hay bú kém, bỏ bú.

Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí năm 2014 - 2015 cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi là chiến dịch tiêm chủng toàn quốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Bộ Y tế triển khai dưới sự tài trợ của Tổ chức Liên minh vắc xin toàn cầu. Mục đích của chiến dịch nhằm bảo vệ trẻ khỏi mắc hai bệnh sởi và rubella, tiến tới loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh tại Việt Nam.


Tại Khánh Hòa, chiến dịch sẽ diễn ra từ ngày 22-9-2014 đến tháng 2-2015; chia thành 3 đợt: đợt 1 (tháng 9, 10) dành cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi; đợt 2 (tháng 11, 12) dành cho trẻ từ 6 - 10 tuổi; đợt 3 (tháng 1, 2-2015) dành cho trẻ từ 11 - 14 tuổi. Dự kiến có khoảng 24.000 trẻ trên địa bàn tỉnh sẽ  được tiêm trong chiến dịch này. Theo kế hoạch, ngoài các điểm tiêm được bố trí tại 137 TYT, hơn 320 điểm tiêm còn lại sẽ bố trí tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Tổng kinh phí cho chiến dịch tại Khánh Hòa hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ của tỉnh là 836 triệu đồng.


Bác sĩ  Huỳnh Trọng Tân - Thư ký Dự án tiêm chủng mở rộng tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiếp nhận hơn 74.300 liều vắc xin sởi - rubella và các vật tư y tế cho tiêm chủng đợt 1. Các liều vắc xin đã và đang được phân bổ về các huyện, thị xã, thành phố. Vào ngày 22-9, ngày đầu tiên triển khai chiến dịch, có 2 địa phương triển khai điểm đầu tiên là Khánh Vĩnh và Nha Trang. Khoảng 1.000 trẻ sẽ được tiêm trong ngày này”.


Đây là chiến dịch tiêm chủng mở rộng với quy mô lớn nên công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng được ngành Y tế rất quan tâm. Để chiến dịch triển khai thành công, trước đó, Sở Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế làm công tác này, trong đó tập trung 4 nội dung: bảo quản vắc xin, khám sàng lọc trước tiêm, tư vấn theo dõi sau tiêm và cấp cứu sốc phản vệ. Ngoài ra, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị tại các địa phương; chỉ đạo các cơ sở đặt bàn tiêm phải trang bị đầy đủ tủ chuyên dùng, phích lạnh bảo quản vắc xin đạt chuẩn nhằm bảo đảm vắc xin và dung môi luôn giữ trong môi trường từ 2 đến 80C. Thuốc chống sốc cũng được cung cấp đầy đủ tới các điểm tiêm. Hơn 10 đội cấp cứu lưu động hỗ trợ an toàn tiêm chủng, phòng, chống sốc sau tiêm đã được thành lập ở các huyện, thị xã, thành phố. Tại các TYT cũng thành lập các tổ cấp cứu tại chỗ.


Để tránh hiện tượng trẻ đến trạm nhưng không được tiêm do quá đông, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố căn cứ số trẻ dự kiến tại mỗi điểm tiêm để bố trí số bàn tiêm, điều động cán bộ y tế phù hợp, bảo đảm mỗi bàn tiêm chỉ tiêm tối đa 50 trẻ/buổi. Ông Lê Quang Thi - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn cho biết: “Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Trung tâm đã yêu cầu các điểm tiêm phải phát phiếu ghi rõ thời gian tiêm cho trẻ. Sau tiêm, trẻ phải được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng. Những trẻ có dấu hiệu bị phản ứng thái quá đối với vắc xin sẽ được theo dõi đặc biệt, cấp cứu theo phác đồ do Bộ Y tế quy định”.


THẢO LY



 


Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, bác sĩ Huỳnh Trọng Tân khuyến cáo người dân nên phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế. Trước khi tiêm, gia đình nên thông tin đầy đủ với bác sĩ những phản ứng sau tiêm trong lần tiêm chủng trước đó của trẻ. Tuyệt đối không che giấu tiền sử tiêm chủng của trẻ bởi đây là vắc xin sống, nếu tiêm quá liều, trẻ có thể xuất hiện các phản ứng phụ không mong muốn. Trong điều kiện sức khỏe của trẻ không bảo đảm, các gia đình nên đưa trẻ về bởi sau chiến dịch này, Bộ Y tế sẽ đánh giá kết quả và sớm đưa vắc xin phòng bệnh sởi, rubella vào chương trình tiêm chủng mở rộng, không để xảy ra tình trạng trẻ không được tiêm vắc xin.