10:09, 22/09/2014

Cách xử trí và phòng ngừa chấn thương mắt ở trẻ

Chấn thương mắt cần được xử lý nghiêm ngặt, vì vết thương hở từ các vật đâm xuyên có thể nhanh chóng dẫn tới nhiễm trùng, đe dọa thị lực. Sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong kết quả điều trị, gia tăng cơ hội bảo tồn thị lực.

Chấn thương mắt cần được xử lý nghiêm ngặt, vì vết thương hở từ các vật đâm xuyên có thể nhanh chóng dẫn tới nhiễm trùng, đe dọa thị lực. Sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong kết quả điều trị, gia tăng cơ hội bảo tồn thị lực.


- Dấu hiệu nhận biết: bé có các biểu hiện như: bồn chồn, bất ổn; kêu đau bên trong hay xung quanh mắt; nước mắt chảy giàn giụa; dùng tay che một bên hoặc hai bên mắt; khó cử động mắt; một mắt trông khác với mắt bên kia; thị lực đột nhiên giảm; rách da ở mi mắt hoặc xung quanh mắt; nhìn thấy máu bên trong mắt; có vết bầm dập trên mắt hoặc quanh mắt; không chịu được ánh sáng chói.


- Nguyên tắc chung trong xử trí: Không cho trẻ sờ hoặc dụi mắt, không băng ép mắt vì điều này có thể khiến tổn thương trở nên trầm trọng hơn. Nếu sau 48 giờ mà tình hình không cải thiện thì cần đi bác sĩ để khám. Trường hợp vết thương đâm xuyên, không được tìm cách loại bỏ vật nhọn mắc kẹt trong mắt. Không bôi thuốc mỡ hay các thuốc khác vào mắt. Những thuốc này có thể không vô trùng và khiến mắt trở nên trơn trượt, gây khó khăn cho việc thăm khám của bác sĩ. Đưa trẻ đi bác sĩ khám mắt ngay nếu có bất kỳ lo ngại nào.

 

Ảnh Intrernet
Ảnh Intrernet


- Xử trí khi trẻ có dị vật trong mắt: Không được dụi mắt, không dùng giấy hoặc bông để lấy dị vật, vì như vậy có thể khiến mắt bị nhiễm trùng, đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc gây xước kết mạc, giác mạc. Chớp mắt vài lần và để nước mắt đẩy dị vật ra ngoài. Nếu làm như vậy chưa có kết quả, bạn có thể giúp trẻ kéo mí mắt trên che trùm lên mí mắt dưới, để hàng mi dưới gạt sạch bụi bẩn ở mặt trong của mí trên; nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hay các loại thuốc có tác dụng rửa mắt. Bạn cũng có thể nhẹ nhàng rửa mắt bị tổn thương của bé bằng nước sạch đổ từ bình hay chai lọ, nước từ vòi chảy chậm hay ngâm mắt trẻ trong nước sạch, tránh phun nước thẳng vào mặt khiến bé sợ hãi. Nếu bụi vẫn không ra, hãy yêu cầu trẻ nhắm mắt hoặc băng nhẹ cả hai bên để hạn chế cử động mắt, giảm thiểu chấn thương.


- Xử trí khi xước giác mạc, kết mạc: Vết xước nông ở giác mạc thường nhanh chóng tự lành. Tuy nhiên, vết xước sâu hơn có thể đi kèm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu trẻ nhạy cảm với ánh sáng, mắt bị đỏ hoặc nhìn mờ thì cần đưa bé đi bác sĩ khám ngay.


- Xử trí khi có vết thương mắt do đụng dập: Chườm lạnh ngay cho vùng mắt bị chấn thương để giảm đau và giảm phù nề, tuyệt đối không ấn mạnh lên vùng tổn thương. Không ép trực tiếp đá lạnh lên mắt vì điều này khiến vết thương trở nên trầm trọng hơn. Có thể dùng túi chườm lạnh hoặc đá bọc trong khăn và chườm 15 - 20 phút, nhắc lại sau mỗi 1 - 2 giờ. Sau 48 giờ thì xen kẽ chườm lạnh và chườm nóng.


- Xử trí vết thương đâm xuyên hay chảy máu: Không dụi mắt. Không rửa mắt bằng nước hoặc các dung dịch khác. Không tìm cách loại bỏ vật mắc kẹt trong mắt. Lót những miếng đệm bông xung quanh mắt bị tổn thương. Không cho trẻ uống hay ăn bất kỳ thứ gì, đề phòng trường hợp cần gây mê để xử trí vết thương. Tránh dùng các thuốc giảm đau như aspirin hay ibuprofen, vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.


- Xử trí vết thương do bỏng hóa chất: Cần lập tức rửa mắt bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất. Dùng các ngón tay banh rộng mắt, rửa mắt liên tục trong vòng ít nhất 15 - 20 phút bằng nước từ ly, bình hay vòi nước chảy chậm. Nhắc bé đảo mắt liên tục để tăng hiệu quả rửa mắt.


Đưa bé đi khám cấp cứu, mang theo chai lọ chứa hóa chất.


T.L (Theo suckhoedoisong.vn)