09:08, 28/08/2014

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt rét

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình sốt rét trên thế giới diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Bệnh sốt rét đang đe dọa sức khỏe của gần 3,3 tỷ người trên toàn thế giới, riêng châu Á - Thái Bình Dương là 2 tỷ người.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình sốt rét trên thế giới diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Bệnh sốt rét đang đe dọa sức khỏe của gần 3,3 tỷ người trên toàn thế giới, riêng châu Á - Thái Bình Dương là 2 tỷ người.


Thực trạng sốt rét


Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế), hiện nay, cả nước có khoảng 21 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành (tại 2.676 xã thuộc 55 tỉnh, thành phố). Người có nguy cơ mắc là người nghèo, dân tộc thiểu số, đi làm rừng, làm rẫy, sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

 

Y tế thôn bản cần được tập huấn thường xuyên về phòng, chống bệnh sốt rét.
Y tế thôn bản cần được tập huấn thường xuyên về phòng, chống bệnh sốt rét.


Trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước có 10.070 trường hợp mắc, 29 người mắc sốt rét ác tính, có 1 trường hợp tử vong do sốt rét. Các tỉnh có số ký sinh trùng sốt rét ở mức cao, sốt rét gia tăng cục bộ là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Gia Lai, Bình Phước, Nghệ An... Theo TS. Nguyễn Văn Chương - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có đặc điểm sốt rét phức tạp, có số lượng dân di biến động, di cư tự do, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, hoạt động của công tác xét nghiệm máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét chưa đồng đều ở các tuyến y tế cơ sở, nhất là khí hậu mưa nắng phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt rét. Vì vậy, dịch bệnh sốt rét có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào.


Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2013 có 1.375 người mắc sốt rét; 6 tháng đầu năm 2014 có 508 trường hợp mắc sốt rét (tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân là 0,42). 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều có bệnh nhân mắc bệnh sốt rét. Huyện Khánh Vĩnh là địa bàn có số trường hợp mắc sốt rét cao nhất với 282 trường hợp, Khánh Sơn có 46 trường hợp. Tổng số ca điều trị sốt rét trong toàn tỉnh gần 2.200 người, trong đó cấp thuốc để bệnh nhân tự điều trị gần 1.700 trường hợp. Trung tâm Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Khánh Hòa đã triển khai các biện pháp phòng, chống sốt rét cho gần 31.000 người.


Sốt rét kháng thuốc


Năm 2012, tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ngày càng lan rộng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.


Tháng 7-2009, Bộ Y tế và WHO đã công bố tỉnh Bình Phước là địa bàn có trường hợp kháng thuốc điều trị sốt rét đầu tiên tại Việt Nam. Từ năm 2012 đến năm 2014, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã được phát hiện thêm tại các tỉnh: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước; tỷ lệ thất bại điều trị cao ở Khánh Hòa là 14,5%. WHO đã đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần triển khai gấp các biện pháp nhằm ngăn chặn chủng sốt rét kháng thuốc. Theo bản đồ phân bố sốt rét kháng thuốc, Bộ Y tế chia 2 vùng: Vùng 1 là vùng có sốt rét kháng thuốc; vùng 2 là vùng nguy cơ sốt rét kháng thuốc lây lan, trong đó có Khánh Hòa.


Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, nguyên nhân của sốt rét kháng thuốc là do ký sinh trùng sốt rét có đột biến gen (đã được xác định ở nhiều nước và Việt Nam). Một số nguyên nhân khác là hiện nay, việc sử dụng thuốc sốt rét tự điều trị quá rộng rãi, dùng không đúng thuốc, không đúng liều, không đủ ngày, y tế tư nhân điều trị không đúng phác đồ điều trị sốt rét do Bộ Y tế ban hành; một bộ phận người dân đi qua lại biên giới các vùng có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc của các nước trong khu vực, kể cả một số nước tại châu Phi.


Những khó khăn gặp phải   


Theo đánh giá của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, hiện nay, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống sốt rét là việc giám sát, quản lý các nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao (do người dân di biến động tự do theo mùa vụ, dân đi rừng, ngủ rẫy). Dưới tác động của biến đổi khí hậu, muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi tập tính, xuất hiện các chủng, loại muỗi kháng hóa chất nên công tác phòng, chống sốt rét gặp nhiều khó khăn. Một thực tế nữa là chính quyền ở một số địa phương có sốt rét lưu hành chưa quan tâm đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác phòng, chống sốt rét. Người dân tại các vùng này chưa thật sự tham gia công tác phòng, chống sốt rét, đi nương rẫy không ngủ màn, không uống thuốc đúng, đủ liều khi bị mắc bệnh sốt rét.


Hiện nay, bệnh sốt rét vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, thực hiện các hoạt động phòng, chống sốt rét vẫn là biện pháp quan trọng hàng đầu. Theo BSCKII Lê Anh Dũng - Giám đốc Trung tâm Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Khánh Hòa, người dân trong vùng có lưu hành sốt rét cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống muỗi đốt, nhất là khi đi vào rừng, ngủ rẫy; khi ngủ phải nằm màn có tẩm hóa chất; thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, phát quang bụi rậm, khai thông những nơi nước đọng quanh nhà. Khi nghi ngờ mắc bệnh sốt rét, cần đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm máu, uống thuốc đúng, đủ liều theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Hệ thống y tế thôn, bản cần được đào tạo lại và đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống sốt rét thường xuyên, phối hợp với kênh truyền thanh xã phát thanh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng, chống sốt rét...


BS. Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)